Tuy nhiên, trên quãng đường về đích còn lại, nền kinh tế vẫn tiếp tục phải dồn sức để vượt ba chướng ngại lớn.
Vẫn bài toán tỷ giá, nhập siêu và lạm phát
Đây vẫn là ba “chướng ngại” lớn nhất mà nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt trong ba tháng còn lại của năm 2010 nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 là ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngăn chặn lạm phát cao trở lại và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và giá cả-Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, chín tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 6,46% so với tháng 12/2009. Vì vậy, trong ba tháng cuối năm, CPI chỉ được tăng không quá 0,5%/tháng mới mong đạt chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 xung quanh mức 8% như Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp về giá cả và cung cầu hàng hóa trên thế giới và trong nước cũng như quy luật tiêu dùng “nóng” trong những tháng cuối năm, mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 8% sẽ hết sức khó khăn nếu như không có các giải pháp "trúng" và linh hoạt.
Sự lo ngại của ông Thắng cũng là sự lo ngại chung của nhiều chuyên gia tham dự cuộc giao ban 9 tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây.
Một chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định mặc dù nhập siêu 9 tháng qua thấp dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng giá trị tuyệt đối nhập siêu lên tới 8,6 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 6,5 tỷ USD. Hiện trạng “ngoại tệ tiêu nhiều hơn kiếm được” đang gây sức ép rất lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, ngoại tệ thiếu sẽ liên quan đến điều hành tỷ giá và ảnh hưởng trực tiếp đến CPI.
Bài toán về tỷ giá, nhập siêu và lạm phát đang làm đau đầu không chỉ các nhà quản lý ở Việt Nam mà với cả nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Đến từ Indonesia, một quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu là chủ yếu và cũng có chính sách điều hành kinh tế vĩ mô khá giống Việt Nam, một chuyên gia ngân hàng thương mại nhận định tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đang chịu sức ép khá lớn từ sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ, có căn nguyên từ chính sự mất cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu.
Trong thời gian tới, dự báo sức ép tỷ giá đồng Việt Nam và USD vẫn chưa thể thuyên giảm.
Đồng quan điểm này, ông Bùi Kiến Thành - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư V Capital chi rõ từ đầu năm đến nay, mặc dù đã có nhiều cảnh báo đến từ các chuyên gia kinh tế nhưng chính sách điều hành tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bộc lộ những bất cập và đây có thể coi như gốc rễ của tình trạng nhập siêu và lạm phát tiêu dùng hiện nay.
Với việc điều chỉnh tỷ giá tăng lên khoảng 5% từ cuối năm 2009 đến nay, giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào, vật tư, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước đã bị đội lên rất cao.
Trong khi đó, với tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu hàng xuất khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% so sánh với tỷ trọng nguyên nhiên liệu đầu vào phải nhập khẩu chiếm khoảng 80% như hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ chính sách tỷ giá hiện hành.
Tính toán của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, từ quý 2/2010 đến nay, tốc độ tăng giá sản xuất (PPI) luôn cao hơn mức độ tăng giá tiêu dùng. Cụ thể, PPI chín tháng tăng 12% so với bình quân chín tháng 2009, trong khi CPI chín tháng lại tăng 8,64% so với bình quân cùng kỳ 2009. Điều này có nghĩa là giá chi phí sản xuất luôn tăng cao hơn giá bán ra, buộc nhà sản xuất phải tăng giá bán đến người tiêu dùng để đảm bảo lợi nhuận cần thiết, dẫn tới CPI tăng.
"Theo tính toán kỹ thuật trong mối tương quan giữa tỷ giá với CPI, từ nay đến hết năm, tỷ giá VND/USD sẽ có thể phải điều chỉnh tiếp 2%. Nếu điều này xảy ra sẽ đồng nghĩa với việc cân đối cung cầu ngoại tệ tiếp tục căng thẳng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mua USD để thanh toán cuối năm, nhập siêu tăng thêm và tất yếu hàng hóa tiêu dùng sẽ nối tiếp điệp khúc tăng giá," ông Thành cảnh báo.
Mấu chốt nằm ở năng lực quản lý điều hành
Ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách điều hành tỷ giá, tình trạng nhập siêu cao của Việt Nam còn có gốc rễ từ chính sách chưa đầu tư đúng mức cho ngành công nghiệp phụ trợ.
Mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ nhưng với thực tế Việt Nam chỉ là “nhà xưởng” thực hiện gia công, lắp ráp (tạm nhập, tái xuất) 80% nguyên nhiên liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài thì đây chính là áp lực lớn cho việc cải thiện tình hình nhập siêu của Việt Nam.
Ngoài ra, với năng lực quản lý điều hành còn yếu, Việt Nam còn phải chịu nhiều thiệt thòi từ “chiêu thức chuyển giá” để trốn thuế ở Việt Nam của một số nhà đầu tư là tập đoàn đa quốc gia, có mạng lưới sản xuất kinh doanh trên khắp thế giới.
Theo ông Thành, hàng hóa gia công, lắp ráp tại Việt Nam sẽ được xuất với giá rẻ mạt sang các thị trường trung gian. Từ đây, hàng hóa sẽ được xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển để hưởng chênh lệch giá cao gấp 2-3 lần so với giá xuất đi từ Việt Nam. Vì vậy, lợi nhuận sẽ rơi vào túi của các tập đoàn này trong khi Việt Nam “thiệt đơn thiệt kép” do không thu được thuế mà lại phải gánh nhập siêu và ô nhiễm môi trường.
Nhìn nhận về tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thừa nhận bộ này và các cơ quan chức năng đã biết nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý.
Đâu là giải pháp trọng tâm?
Từ góc độ chuyên gia phân tích số liệu thống kê, ông Nguyễn Đức Thắng cho rằng CPI tăng 1,31% trong tháng Chín có tỷ trọng đóng góp từ giáo dục là 0,68%. Trong khi đó, đây mới là kết quả của việc 40 tỉnh, thành thực hiện tăng phí giáo dục (từ 3-5 lần) trong năm học mới và còn khoảng 20 tỉnh, thành chưa tăng. Việc tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục là cần thiết tuy nhiên cần tính toán lộ trình tăng hợp lý, tránh gây “cú sốc” với tăng CPI.
Ngoài ra, các giải pháp quản lý thị trường, chống đầu cơ, tăng giá vô lý cần tiếp tục được tăng cường, nhất là đối với các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón, sữa, thuốc…
Cũng theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, hiện Ngân hàng trung ương các nước EU, Nhật Bản, Mỹ đang tiếp tục duy trì chính sách lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn dưới 2% cho hệ thống ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.
Trong khi đó, lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì ở mức 8%/năm và lãi suất tái chiết khấu là 6%/năm.
Với việc duy trì mức lãi suất này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất, đồng nghĩa với việc chúng ta tự đánh mất đi cơ hội thúc đẩy sản xuất hàng hóa và xuất khẩu. Còn các ngân hàng thương mại tiếp tục chạy đua lãi suất huy động, khuyến khích cho vay tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận.
Ông Thành khẳng định với vai trò điều tiết lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm tạo thanh khoản cho nền kinh tế bằng việc sử dụng các công cụ tái cấp vốn, tái chiết khấu và nghiệp vụ thị trường mở giúp các ngân hàng thương mại có nguồn cung tiền ổn định.
Cùng với giải pháp này, việc tính toán điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với đặc thù của nền kinh tế (dựa trên xuất khẩu; tín dụng cho sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong khi tín dụng tiêu dùng chỉ ở mức dưới 10%) sẽ là giải pháp phù hợp giúp nền kinh tế vượt các “chướng ngại vật” về đích 2010.
“Xét đến cùng, bản chất của vấn đề vẫn là đẩy mạnh sản xuất, tăng xuất khẩu thì tự thân nhập siêu sẽ mất đi. Từ đó, dự trữ tăng sẽ giúp đồng nội tệ mạnh lên. Cũng nhờ đó, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức độ thích hợp có tác dụng kích thích nền kinh tế phát triển bền vững,” ông Thành nhấn mạnh./.