Việt Nam có nguy cơ trở thành nước nhập khẩu năng lượng điện
29/09/2010 9:02:00 SATin trong nước

Theo báo cáo của Văn phòng tiết kiệm năng lượng thì trong giai đoạn 2010-2020 Việt Nam có thể xuất hiện sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng nội địa. Vì vậy, nước ta sẽ chuyển từ nước chuyên xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu và phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng. Theo dự báo với tốc độ gia tăng khai thác năng lượng như hiện nay, Việt Nam sẽ cạn kiệt các nguồn điện thủy năng, dầu mỏ, khí đốt, than đá trong vài chục năm tới.

TRUNG BÌNH MỖI NĂM CẦN THÊM MỘT CÔNG SUẤT TƯƠNG ĐƯƠNG THỦY ĐIỆN HÒA BÌNH

Có thể nói, việc sử dụng nguồn năng lượng ở nước ta đang ở trong tình trạng lãng phí lớn. Theo ông Phương Hoàng Kim - Phó Chủ nhiệm Văn phòng tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) - thì hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt mức 28-32%, thấp hơn so với các nước phát triển 10%. Hiệu suất sử dụng của lò hơi công nghiệp cũng chỉ đạt 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới 20%. Trong khi đó, cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan, Malaysia từ 1,5 đến 1,7 lần; tỷ lệ tăng trưởng giữa nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP của nước ta lên đến hai lần trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ trên là dưới 1.


Tiết kiệm năng lượng đã trở thành vấn đề sống còn

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện của nước ta liên tục tăng cao. Theo tính toán của ông Trịnh Ngọc Khánh - Trưởng ban kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) thì bình quân mỗi năm nước ta cần có thêm một lượng công suất điện tương đương với công suất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, dẫn đến áp lực đầu tư rất lớn, chi phí sản xuất ra 1kw điện ngày càng cao. Hiện nay, tính đến cuối năm 2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 20.900MW. Chỉ riêng giai đoạn 2006-2010, tổng công suất mới tăng thêm trên toàn hệ thống lưới điện quốc gia là 10.400MW, tăng 1,98 lần so với năm 2005. Công suất phụ tải cực đại cũng tăng từ 9.500MW năm 2005 lên 16.400MW vào năm 2010.

Mức sử dụng điện bình quân đầu người là 981kWh/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2005.

Hiện, tổng lượng điện thương phẩm của nước ta đạt khoảng 97 tỷ Kwh/năm. Trong khi đó dự báo nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đến năm 2020 là từ 201.367 đến 250.035 GWh, bình quân tiêu thụ đầu người là 1.977 đến 2.456 KWh/người/năm.

LƯỢNG ĐIỆN TIẾT KIỆM ĐƯỢC VẪN RẤT NHỎ

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao đã khiến việc sử dụng tiết kiệm, chú trọng hiệu quả sử dụng năng lượng trở nên cấp bách hơn bao giờ. Tuy nhiên, lượng điện tiết kiệm được vẫn chưa cao. Theo tính toán, trong ba năm từ 2006-2008 Việt Nam đã tiết kiệm được lượng năng lượng tương đương với 15,2 tỷ KWh, dự báo đến hết năm 2010 sẽ tiết kiệm được 5% và phấn đấu trong giai đoạn 2010-2015 sẽ giảm từ 5-8% tổng nhu cầu năng lượng thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, gọi tắt là chương trình quản trị nhu cầu DSM.
Trên thực tế, giai đoạn từ 2006 đến nay, nhiều chương trình tiết kiệm điện được đặt ra đã chứng minh tính hiệu quả của nó. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với các địa phương trong công tác tiết kiệm điện bằng cách theo dõi chặt điện năng tiêu thụ của các cơ quan hành chính sự nghiệp, đảm bảo các đơn vị hành chính tiết kiệm 10% chi phí sử dụng năng lượng điện hằng năm. Tăng cường tuyên truyền vận động người dân tiết kiệm điện.

Một trong những chương trình thu nhiều kết quả nhất là chương trình đèn Compact, được tổ chức thực hiện từ năm 2002. Được biết, từ chỗ chỉ thí điểm bằng cách bán trợ giá đèn compact cho sáu xã ở ba vùng Bắc, Trung, Nam vào năm 2002-2003, đến năm 2005-2007 đã có một triệu bóng đèn compact được bán với tổng số hộ mua đèn là gần 492.000 hộ. Và đến nay lượng tiêu thụ đèn compact trên cả nước đã ở mức trên 31 triệu cái.

Theo Hội điện lực Việt Nam, trong thời gian tới việc tiết kiệm năng lượng là yếu tố sống còn nên mỗi người dân cần nâng cao ý thức tiết kiệm điện, biểu hiện bằng cách thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện một cách lãng phí, hao tốn điện năng. Được biết, mức tiêu thụ điện chiếu sang của Việt Nam hiện chiếm 25,3%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới và nếu như đẩy mạnh việc tiết kiệm, mỗi năm nước ta có thể tiết kiệm được lượng điện có giá trị tới trên 7.000 tỷ đồng.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent