"Phương pháp phục hồi sinh học bằng vi sinh vật có thể phá hủy hoàn toàn chất gây ô nhiễm, biến đổi chúng thành cacbonđioxit, nước và sinh khối tế bào mới, hoặc ít nhất biến đổi thành những sản phẩm không có hại, có ích cho hệ sinh thái", lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu phát triển an toàn môi trường dầu khí (CPSE) thuộc Viện dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết.
Về cơ bản, xử lý dầu tràn bằng tự phân hủy sinh học sẽ phải dựa vào tính chất riêng của nơi bị ô nhiễm như: thành phần vi khuẩn, loại chất gây ô nhiễm, địa lý và những điều kiện hóa học nơi bị ô nhiễm.
Kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, khả năng hoàn toàn có thể ứng dụng giải pháp phục hồi sinh học bằng vi sinh vật để xử lý ô nhiễm dầu tràn tại khu vực ven biển từ Bình Thuận đến Bến Tre. Đây là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các sự cố tràn dầu.
|
Tàu chở dầu chìm trên biển gây ra tràn dầu ở Vũng Tàu tháng 4 vừa qua. Ảnh: V.Thanh |
Với kết quả khả quan bước đầu, CPSE cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra chế phẩm sinh học có nguồn gốc là các chủng vi sinh vật bản địa, nhằm ứng dụng xử lý ô nhiễm dầu tràn khu vực ven biển Đông Nam Bộ, nơi có nguy cơ ô nhiễm do dầu tràn từ các họat động thăm dò khai thác và vận chuyển dầu khí.
Năm 2002, Việt Nam đã thử dùng phương pháp dùng vi sinh vật xử lý ô nhiễm dầu tràn tại bờ biển Vũng Tàu. Biện pháp này không thành công do sử dụng chế phẩm sinh học nhập từ nước ngoài. Nguồn gốc giống vi sinh vật là ngoại lai nên khi rải dọc bờ biển ô nhiễm dầu, các chủng vi sinh vật không phát huy khả năng phân hủy. Sau một thời gian ngắn, bãi biển có màu đen và hôi thối, gây ô nhiễm thứ cấp, ngoài ra còn xuất hiện nhiều loài vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Với việc tràn dầu trên vịnh Mexico, ngoài khoản bồi thường 14 tỷ USD, Tập đoàn dầu khí BP phải chi 15-23 tỷ USD làm sạch môi trường. "Bài học" từ BP cho thấy Việt Nam cần hành động ngay để đối phó khi thảm họa xảy ra.
Theo Viện Dầu khí Việt Nam, thống kê cho thấy từ năm 1970 đến năm 2009 trên thế giới xảy ra gần 10.000 sự cố tràn dầu, ước tính đã có 5,65 triệu tấn dầu đã thất thoát ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ đến khi giàn khoan dầu Deepwater Horizon sập ngoài khơi nước Mỹ gây ra thảm họa tràn dầu trên vịnh Mexico mới khiến cả thế giới "giật mình".
Chỉ trong vòng 3 tháng từ khi xảy ra sự cố (tháng 4) có khoảng 695 triệu lít dầu đã phun ra từ giếng bên dưới giàn khoan. Dự tính chi phí cho việc làm sạch môi trường ở Vịnh Mexico có thể lên tới 15-23 tỷ USD.
Trước sự cố tràn dầu nghiêm trọng xảy ra trên thế giới, theo các chuyên gia trong ngành dầu khí, Việt Nam cần gấp rút triển khai chuẩn bị cho công tác xử lý một khi xảy ra sự cố. Ngoài thu gom và xử lý thì làm sạch môi trường là vấn đề được quan tâm hàng đầu, trong đó sử dụng vi sinh vật đang được nhiều nhà khoa học quan tâm, bởi đây là một biện pháp an toàn với môi trường.
Các biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu mà Việt Nam đang triển khai
Năm 2005, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành gấp rút hoàn thiện phương án xây dựng 3 trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu. Ba trung tâm này từ khi được thành lập đã có nhiều hoạt động chuẩn bị, thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu với những tình huống giả định gần giống với thực tế.
Ngày 15/6 năm nay, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đã cho hạ thuỷ tàu NASOS1. Tàu dài 44m, rộng 11m, cao mạn 4,6m với trọng tải gần 590 tấn và vận tốc 12 hải lí một giờ đáp ứng yêu cầu ứng cứu, thu gom, vận chuyển dầu tràn trên biển, vận chuyển nhân lực, vật tư, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
|