Ngày 20/7, nhà kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Fatih Birol, phát biểu trên tờ Wall Street Journal, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Người ta có thể hiểu tiến trình này theo nhiều cách: là bằng chứng chứng tỏ về sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc, về cuộc suy thoái còn đeo bám Mỹ, về số lượng ôtô không ngừng tăng ở Trung Quốc, về hiệu quả năng lượng của Mỹ so với Trung Quốc. Tất cả những nhận định trên đều thuyết phục, nhưng vẫn thiếu một điểm chính: khi trở thành nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng sẽ trở thành nhân tố có sức chi phối trên trường quốc tế và vì thế sẽ góp phần định hình lại tương lai toàn cầu của chúng ta.
Vì năng lượng gắn với nhiều khía cạnh của nền kinh tế, và vì nỗi lo hết dầu và các năng lượng khác trong tương lai, các quyết định Trung Quốc liên quan tới tỷ trọng năng lượng của nước này sẽ còn tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng. Là đất nước có tiếng nói lãnh đạo trên thị trường năng lượng toàn cầu, Trung Quốc sẽ ít nhiều quyết định không chỉ giá cả chúng ta sẽ phải trả cho các nhiên liệu quan trọng, mà còn cả loại năng lượng nào thế giới sẽ phụ thuộc.
Quan trọng hơn, các quyết định của Trung Quốc trong ưu tiên năng lượng sẽ có sức quyết định rất lớn tới vấn đề liệu Trung Quốc và Mỹ có thể tránh khỏi bị kéo vào cuộc cạnh tranh toàn cầu về dầu nhập khẩu và vấn đề thế giới có thể thoát khỏi những biến đổi khí hậu tai ác.
Nhìn lại Mỹ
Cần phải nhìn lại vai trò năng lượng trong quá trình đi lên của Mỹ để hiểu được tình huống hiện nay của Trung Quốc.
Khu vực đông bắc của nước Mỹ trẻ trung đầy tiềm năng thủy điện và nhiệt điện có đóng góp quan trọng cho công cuộc công nghiệp hóa ban đầu của nước này cũng như với thắng lợi cuối cùng của miền bắc trong cuộc nội chiến. Nhưng chính việc phát hiện dầu tại tây Pennsylvania năm 1859 mới là điều biến Mỹ trở thành nhân vật quyết định trên sân khấu quốc tế. Dầu tinh lọc và xuất khẩu càng củng cố sự thịnh vượng của Mỹ đầu thế kỷ 20 – thời điểm nước này là nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới – trong khi vun đắp cho sự vươn lên của các doanh nghiệp khổng lồ tại nước này.
Chúng ta không nên quên, doanh nghiệp xuyên quốc gia lớn đầu tiên của thế giới chính Standard Oil của John D Rockefeller – công ty chuyên khai thác và xuất khẩu xăng dầu của Mỹ. Luật chống độc quyền đã phá vỡ Standard Oil năm 1911, nhưng hai trong số chi nhánh lớn nhất, Standard Oil New York và Standard Oil New Jersey, sau đó đã thoát khỏi và giờ đang là doanh nghiệp niêm yết với giá trị tài sản lớn bậc nhất thế giới, ExxonMobil. Một chi nhánh khác Standard Oil California, trở thành Chevron, doanh nghiệp giàu có thứ ba nước Mỹ.
Dầu cũng đóng vai trò quan trọng trong sự vươn lên về mặt quân sự của Mỹ. Nước này cung cấp hầu hết lượng dầu tiêu thụ của các lực lượng đồng minh trong cả chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Trong số các cường quốc ở thời điểm đó, chỉ riêng Mỹ có thể tự cung tự cấp dầu, điều có nghĩa là nước này có thể triển khai quân hàng loạt sang châu Âu và châu Á và chế ngự quân đội được vũ trang tốt (nhưng cực “khát” dầu) của Đức và Nhật. Ít người hôm nay nhận ra điều này, nhưng với các kiến trúc sư làm nên chiến thắng của Mỹ tại thế chiến thứ hai, bao gồm cả tổng thống Franklin D Roosevelt, chính sự vượt trội về dầu lửa của nước này, chứ không phải bom hạt nhân, mới là yếu tố quyết định.
Xây dựng nền kinh tế và quân sự dựa trên dầu, các nhà lãnh đạo Mỹ tin cần phải tiến hành các biện pháp dù tốn kém và khó khăn hơn để đảm bảo cả hai mặt trận này luôn có được đủ nguồn cung cấp năng lượng. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với trữ lượng trong nước bắt đầu thu hẹp, các tổng thống kế tiếp đã “rập khuôn” chiến lược toàn cầu dựa trên việc đảm bảo Mỹ có thể tiếp cận xăng dầu ở nước ngoài.
Ban đầu, Ả-rập Xê-út và các vương quốc vịnh Ba Tư khác được lựa chọn như những “trạm xăng” nước ngoài phục vụ các nhà lọc dầu và lực lượng quân đội Mỹ. Các công ty dầu Mỹ, đặc biệt là “hậu duệ” của Standard Oil, được hỗ trợ và khuyến khích “đổ bộ” lên các nước này. Ở một mức độ đáng kể, các học thuyết chiến lược hậu chiến tranh – Học thuyết Truman, Học thuyết Eisenhower, Học thuyết Nixon, và đặc biệt là học thuyết Carter – đều gắn chặt với việc bảo vệ những “trạm xăng này”.
Ngày nay, dầu vẫn đóng vai trò quyết định trong các kế hoạch và hành động toàn cầu của Washington. Ví dụ, bộ Ngoại giao Mỹ vẫn duy trì một lực lượng quân sự tinh nhuệ, tốn kém tại Vịnh Ba Tư để đảm bảo “an toàn” và “an ninh” cho số dầu xuất khẩu từ khu vực. Mỹ còn mở rộng quân sự tới các khu vực sản xuất dầu chính như vùng biển Caspi và tây Phi. Nhu cầu duy trì mối quan hệ hữu nghị và quan hệ quân sự với các nhà cung cấp chủ chốt như Kuwait, Nigeria, và Ả-rập Xê-út tiếp tục chi phối chính sách ngoại giao Mỹ. Tương tự, trong một thế giới ấm lên, mối quan tâm của Mỹ tới Bắc Cực càng tăng lên bởi tham vọng muốn khai thác trữ lượng hydocarbon chưa được khai thác tại vùng cực này.
Hành tinh than?
Thực tế rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ thành nhà tiêu thụ năng lượng đứng đầu thế giới chắc chắn sẽ làm thay đổi rất lớn chính sách toàn cầu của nước này, cũng giống như Mỹ thời còn nắm ưu thế năng lượng. Điều này đến lượt nó sẽ làm thay đổi tiến trình quan hệ Trung – Mỹ, chưa nói tới các vấn đề quốc tế. Với kinh nghiệm của Mỹ, liệu chúng ta có thể đợi chờ điều gì từ Trung Quốc?
Theo những ước tính mới đây nhất từ bộ Năng lượng Mỹ, tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng 133% trong giai đoạn 2007 – 2035, có nghĩa là từ 78 nghìn triệu triệu lên 182 nghìn triệu triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh). Hãy xem, 104 nghìn triệu triệu BTU Trung Quốc cần bổ sung thêm vào nguồn cung năng lượng trong nước trong một phần tư thế kỷ tới tương đương với tổng năng lượng tiêu thụ của châu Âu và Trung Đông trong năm 2007. Tìm kiếm và đưa về từng ấy dầu, khí tự nhiên, và các nhiên liệu khác rõ ràng chính là thách thức lớn nhất đối với ngành kinh tế và công nghiệp Trung Quốc – và ẩn trong thách thức đó còn là khả năng xảy ra xung đột và tranh chấp thực.
Mặc dù hầu hết các quỹ năng lượng của nước này vẫn sử dụng vốn trong nước, nhưng cách Bắc Kinh chi tiêu cho nhiên liệu nhập khẩu (dầu, than, khí gas, và uranium) và cơ sở năng lượng (nhà máy lọc dầu, nhà máy điện, và lò phản ứng hạt nhân) sẽ quyết định đáng kể giá toàn cầu của những sản phẩm này – một vai trò mà tới nay vẫn chủ yếu chỉ do Mỹ “đảm nhận”. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nằm ở quyết định lựa chọn loại năng lượng nào để vận hành các “cỗ máy” của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn cũng muốn tránh hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
Trung Quốc hiện đang rất dồi dào một loại nhiên liệu: than. Theo dự tính mới đây nhất của bộ Năng lượng Mỹ, than sẽ đóng góp khoảng 62% vào nguồn cung năng lượng của Trung Quốc vào năm 2035, chỉ thập hơn mức hiện tại một chút. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào than sẽ càng làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường của nước này, làm tụt lùi nền kinh tế khi chi phí y tế leo thang. Bên cạnh đó, than sẽ còn “giúp” Trung Quốc trở thành nước thải ra nhiều khí thải carbon dioxide nhất. Cũng theo bộ Năng lượng Mỹ, đóng góp của Trung Quốc vào lượng khí thải carbon toàn cầu tăng từ 19,6% năm 2005, không kém mấy so với Mỹ (21,1%), lên khoảng 31,4% năm 2035.
Chừng nào Trung Quốc còn từ chối cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào than, thì chúng ta chưa thể tin vào những tuyên bố của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về sự ấm lên toàn cầu. Nước này đơn giản sẽ không thể tiến hành bất cứ biện pháp có ý nghĩa nào để đối phó với biến đổi khí hậu, nếu cứ tiếp tục tăng cường tiêu thụ than. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ phải chứng kiến một trái đất “nhem nhuốc” hơn vì khí thải.
Mới đây, các nhà lãnh đạo của nước này dường như cũng quan tâm hơn tới nguy cơ trợ nên quá phụ thuộc vào than. Họ nhấn mạnh phải phát triển hệ thống năng lượng tái sinh, đặc biệt phong điện và điện mặt trời. Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất turbine gió và pin mặt trời hàng đầu thế giới, và đã bắt đầu xuất khẩu công nghệ sang Mỹ. Nhưng việc Trung Quốc nhấn mạnh phát triển năng lượng tái sinh sẽ chỉ là tin tức tốt lành, nếu nó dẫn đến giảm sử dụng than tại nước này.