Thời gian cho vay đối Dự án Nhà máy Lọc dầu số một Dung Quất xác định là 16 năm với lãi suất 3,6%/ năm. Kết thúc thời hạn nói trên, chủ dự án sẽ phải trả nợ gốc và lãi bằng đồng đôla Mỹ.
Theo thông tin từ phía Bộ Tài chính, 700 triệu USD từ nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ sẽ đáo hạn vào tháng 1/2020 với lãi suất lãi suất danh nghĩa 6,75% một năm. Lãi được trả 6 tháng một lần, trong khi nợ gốc trả một lần khi đáo hạn.
Trong khi đó, khoản 300 triệu USD được vay từ Ngân hàng BNP Paribas sẽ có thời hạn 13 năm (vay từ năm 2007). Lãi suất 2 năm đầu là Libor + 2%, sau đó áp dụng lãi suất cố định 3,3% một năm.
Cũng theo hướng dẫn của Thông tư, cơ quan cho vay lại được hưởng phí quản lý bằng 0,05%/năm tính trên số dư nợ vốn vay bình quân trong năm của Dự án. Phí quản lý được Bộ Tài chính cấp bằng đồng Việt Nam (theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ do Bộ Tài chính thông báo tại thời điểm cấp) từ ngân sách Nhà nước trong dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý hàng năm theo đề nghị của cơ quan cho vay lại.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã có buổi trao đổi với báo chí khi phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế vào ngày 1/2/2010: “Ngày 25-1 chúng ta phát hành thì đến ngày 29-1 tiền đã về đến tài khoản của VN. Trong cáo bạch, chúng tôi đã khẳng định sẽ dùng khoản này để chi tiêu Chính phủ nói chung, trong đó có cho vay lại với một số dự án. Trước hết sẽ dành cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất vay lại. Phần còn lại chúng tôi dự kiến trình Chính phủ dành cho một số dự án đầu tư”