Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11/2010 tăng 13 xu lên 74,84 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm 16 xu xuống 77,79 USD/thùng.
Theo Victor Shum, chuyên gia phân tích thuộc công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz (có trụ sở tại Singapore), mặc dù giá dầu thường có xu hướng phục hồi khi đồng tiền xanh mất giá, nhưng hiện tượng kho dự trữ dầu tại Mỹ bất ngờ tăng đã ảng hưởng tiêu cực tới giá dầu. Đồng USD yếu thường làm tăng nhu cầu đối với các hàng hóa được giao dịch bằng đồng tiền này, trong đó có dầu mỏ.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 17/9 tăng một triệu thùng, ngược hẳn với dự báo của giới phân tích là giảm 1,7 triệu thùng. Cùng kỳ, dự trữ xăng và các chế phẩm chưng cất cũng tăng.
Tâm lý lo ngại về sức phục hồi của kinh tế Mỹ lại dấy lên sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cảnh báo tốc độ tăng GDP và việc làm tại nước này đang chững lại.
FED tuyên bố trong trường hợp cần thiết, sẽ sẵn sàng áp dụng các biện pháp mới để bánh xe tăng trưởng không bị trệch đường ray, đồng thời vẫn duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục. Những tin này đã khiến đồng USD "mất thế" so với euro và yên.
Hầu như trong suốt cả năm 2009, giá dầu loanh quanh ở ngưỡng 75 USD/thùng, bất chấp nhu cầu dầu thô tăng mạnh tại các nền kinh tế đang nổi, chẳng hạn như Trung Quốc. Tóm lại, thị trường dầu mỏ đã bị sức ép lớn khi nguồn cung tại Mỹ không ngừng tăng.
Ông Shum nhận định, với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức 9-10%, lòng tin cũng như tâm lý của người tiêu dùng chưa vững, giá dầu khó có thể duy trì ở mức trên 75 USD/thùng./.