Nhưng bước sang ngày 22/9 tại châu Á, đà suy giảm đã có dấu hiệu chững lại khi giá các loại dầu thô tăng giảm trái chiều với các mức không lớn.
Tại New York, giá dầu ngọt nhẹ hợp đồng giao tháng 10/2010 đã kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trước khi đáo hạn với nhiều sự thất vọng khi giảm 1,34 USD so với phiên 20/9 - mức giảm trong một phiên cao thứ hai kể từ đầu tháng Chín đến nay, để xuống chốt ở mức 73,52 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2010 giảm 94 xu xuống 78,42 USD/thùng.
Trong khi đó tại châu Á, giá dầu biến động trái chiều. Tại sàn giao dịch điện tử Singapore giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2010 tăng 47 xu lên 75,44 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn giảm 6 xu xuống 78,36 USD/thùng.
Theo báo cáo của Phillip Futures, các thị trường dầu thô thế giới giảm mạnh trong những phiên vừa qua do lượng dự trữ cao và FED lo ngại về sự yếu kém của nền kinh tế.
Tại cuộc họp chính sách tiền tệ vừa quà, FED quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay nhưng lưu ý rằng đà phục hồi kinh tế sẽ diễn ra với tốc độ chậm. Đây chính là nguyên nhân kéo giá dầu đi xuống vào cuối phiên 21/9.
Theo ông Phil Flynn thuộc PFGBest Research, mọi người đang nhìn nhận thị trường có rất nhiều dầu thô, trong khi thông báo của FED dường như có hàm ý rằng nền kinh tế Mỹ đang hoạt động không tốt và điều này đã dấy lên nỗi lo về triển vọng nhu cầu dầu mỏ trong tương lai.
Trong khi đó, lượng dầu tồn kho hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Viện Xăng dầu Mỹ vừa công bố số liệu cho biết lượng dự trữ dầu thô của nước này trong tuần qua đã bất ngờ tăng thêm 2,2 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm của các nhà phân tích./.