Bộ lao động Mỹ cho biết: Giá năng lượng tăng 2,3% đã góp phần đẩy lạm phát lên mức cao. Đặc biệt, chỉ riêng giá xăng dầu đã tăng tới 3,9%. Giá thực phẩm giảm nhẹ trong tháng 7 cũng đã tăng 0,2% trong tháng 8. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản - thước đo không tính đến sự dao động của giá thực phẩm và năng lượng – thì vẫn không đổi.
Theo ông Uri Landesman - chủ tịch Platinum Partners ở New York, những số liệu này đã nhích cao hơn so với dự đoán. “Tôi nghĩ tình trạng giảm phát của thị trường này đáng lo ngại hơn lạm phát, vì thế, đây có thể là yếu tố góp phần giảm nhẹ những căng thẳng về giảm phát. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ không đặt quá nhiều niềm tin vào điều đó. Nhìn chung, trong tháng 9, thị trường này sẽ hoạt động tốt hơn nhiều so với những gì tôi tưởng, và số liệu này đã khả quan hơn dự đoán của chúng tôi. Tôi cũng sẽ không tuyên bố thắng lợi ngay lúc này nhưng đó là một sự khích lệ” - ông cho biết.
Bên cạnh đó, một thước đo chủ chốt về niềm tin tiêu dùng đã tiết lộ rằng những người Mỹ giàu có đang ngày càng lo lắng về tình trạng hiện tại của nền kinh tế này. Chỉ số niềm tin tiêu dùng do Thomson Reuters và trường Đại học Michigan khảo sát đã bất ngờ giảm trong những ngày đầu của tháng 9 xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Người dân tại các hộ gia đình có thu nhập hơn 75.000 USD cảm thấy bi quan hơn so với tháng 8. Trong khi đó, niềm tin của những người có thu nhập thấp hơn lại gia tăng. Theo ông Richard Curtin – giám đốc của cuộc khảo sát, điều này có thể được lý giải bởi sự không chắc chắn về việc những cắt giảm thuế liên bang cho những người thu nhập cao nhất có được gia hạn tới cuối năm nay hay không.