Tuy nhiên trong phiên giao dịch ngày 1/9, trên thị trường châu Á, làn sóng mua vào tranh thủ lúc giá rẻ đã giúp giá dầu phục hồi.
Kết thúc phiên 31/8 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2010 giảm 2,78 USD xuống 71,92 USD/thùng, còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn cũng giảm 1,96 USD xuống 74,64 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ tiếp tục xu hướng giảm giá bất chấp những thông tin cho biết lòng tin tiêu dùng của Mỹ đã bất ngờ cải thiện. Theo Conference Board, chỉ số lòng tin tiêu dùng tháng 8/2010 của Mỹ đã tăng lên 53,5 điểm, vượt dự đoán 50 điểm của các nhà phân tích, nhưng điều này vẫn chưa đủ để dập tắt những lo ngại về việc tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đang giảm mạnh.
Đến chiều 1/9 tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 10/2010 tăng 55 cent lên 72,47 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 60 cent lên 75,24 USD/thùng, bất chấp sự gia tăng bất ngờ lượng dự trữ dầu thô của Mỹ, điều thông thường sẽ gây sức ép làm giảm giá.
Theo số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ, lượng dự trữ dầu thô của nước này trong tuần qua đã tăng 4,8 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích.
Các thị trường đang chờ đợi các số liệu quan trọng khác sẽ được công bố trong tuần này, trong đó có báo cáo về sản lượng công nghiệp và tình hình việc làm để đánh giá về triển vọng kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.
Mike Fitzpatrick, nhà phân tích thuộc MF Global, nhận định các điều kiện thị trường đang ngày càng xấu đi, và các nhà giao dịch đang chấp nhận các mức giá thấp hơn.
Trong khi viện dẫn việc lượng dầu tồn kho tăng, nhu cầu hạn chế và môi trường kinh tế yếu kém, ông Fitzpatrick cho rằng giá dầu có thể rơi xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng vào cuối tuần này./.