Xung lực mới của ngành công nghiệp hóa dầu
23/08/2010 2:48:00 CHTin trong nước

Nhà máy Sản xuất Polypropylen ra đời nhằm cung cấp ngay các sản phẩm Polypropylen “nội” cho ngành công nghiệp nhựa trong nước, góp phần giảm việc nhập khẩu mặt hàng này như lâu nay.

Vào ngày 25/8 tới, Nhà máy Sản xuất Polypropylen sẽ được tổ hợp các nhà thầu bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đánh dấu thêm một bước tiến mới của ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam.

Gia tăng hiệu quả của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Khi Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang trên đà tăng tốc triển khai thì Dự án Nhà máy Sản xuất Polypropylen cũng được PVN đưa vào tầm ngắm, với mục tiêu gia tăng lợi nhuận và hiệu quả của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Với sự đồng ý của Chính phủ, PVN cũng đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để triển khai Dự án.

Theo kế hoạch, Dự án Nhà máy Sản xuất Polypropylen được xây dựng trên diện tích 15 ha thuộc phía Tây Nam Khu công nghiệp Dung Quất, với công suất chế biến 150.000 tấn sản phẩm/năm. Nguyên liệu của Nhà máy lấy từ nguồn Propylen của Phân xưởng Thu hồi Propylen (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất), để chế biến thành hạt nhựa Polypropylen sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp và phục vụ đời sống.

Vào tháng 11/2007, hợp đồng tổng thầu EPC xây dựng Nhà máy Sản xuất Polypropylen đã được PVN ký với tổ hợp các nhà thầu gồm HyundaiEngineering, LG International; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí (PV Engineering) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC).Theo hợp đồng được ký kết, Tổ hợp nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế, triển khai đặt hàng mua sắm thiết bị, xây lắp và vận hành chạy thử/chạy nghiệm thu.

Các chuyên gia hóa dầu cho hay, công nghệ Hypol II được ứng dụng cho Nhà máy Sản xuất Polypropylen là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, đảm bảo sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao,cũng như đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Công nghệ này cũng đã được áp dụng tại hơn 20 nhà máy sản xuất Polypropylen trên thế giới, trong đó, tại khu vực Đông Nam Á, có 5 nhà máy áp dụng công nghệ này.

Sau 31 tháng thi công, Nhà máy Sản xuất Polypropylen đã cho ra sản phẩm hạt nhựa thành phẩm đầu tiên và đóng gói thành công.

Tính đến ngày 17/8/2010, Nhà máy cũng đã sản xuất hơn 10.000 tấn hạt nhựa và đã xuất bán ra thị trường hơn 9.000 tấn hạt nhựa Polypropylene sáng màu và bền nhiệt, phục vụ công nghiệp ô tô, nhựa, xây dựng, điện, bao bì, sợi và các vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày của con người. Theo tính toán, với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu hàng năm của Nhà máy ước đạt 170-200 triệu USD.

Khẳng định vị thế

Mặc dù thời gian kể từ khi ký hợp đồng EPC tới khi ra thành phẩm đầu tiên là 31 tháng, nhưng thực tế, Dự án Nhà máy Sản xuất Polypropylen chỉ thi công 28 tháng. Đây cũng là minh chứng khác cho sự trưởng thành về trình độ quản lý đầu tư từ phía các cán bộ của PVN, bởi tốc độ này ngang với thời gian triển khai dự án ở các nước phát triển.

Hiện tại, Nhà máy đang chạy ở công suất 85% và sau khi được bàn giao cho phía chủ đầu tư có thể phát huy công suất đạt 100% thiết kế, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhằm cung cấp ngay các sản phẩm Polypropylen “nội” cho ngành công nghiệp nhựa trong nước, góp phần giảm việc nhập khẩu mặt hàng này như lâu nay, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (DMC) và Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET) đã được PVN chỉ định là nhà phân phối ngay khi Nhà máy ra sản phẩm đầu tiên.

Với năng lực sản xuất của mình, Nhà máy Sản xuất Polyproplen mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu về mặt hàng này của cả nước. Tuy nhiên, bởi thị trường trong nước đang quen với sản phẩm nhập khẩu 100%, với mức thuế suất nhập khẩu là 0%, nên Polypropylen “nội” sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ trong việc giành chỗ đứng của riêng mình.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, Polypropylen “nội” đang được bán với giá ngang ngửa với giá công bố trên thị trường quốc tế, nhưng lại có những lợi thế của riêng mình, như chi phí vận chuyển thấp so với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, không phải sử dụng ngoại tệ khi mua hàng trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ không quá rộng rãi, hay người sử dụng có thể hoạch định được thời gian nhận hàng phù hợp so với nhập khẩu hàng.

Cũng để gia tăng sự có mặt của Polypropylen “nội” trên thị trường, hai đơn vị phân phối đang xây dựng những chương trình tiếp thị bài bản riêng có để thu hút khách hàng.

Mặc dù còn cần thêm thời gian để khẳng định vị trí của mình, nhưng sự có mặt của Nhà máy Sản xuất Polypropylen, tiếp sau Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hay Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng là những bằng chứng cụ thể cho việc gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, cũng như khả năng tham gia của Việt Nam trong các khâu hạ nguồn của ngành công nghiệp dầu khí, lĩnh vực không chỉ đòi hỏi tiền bạc, mà còn cần tới trình độ của nguồn nhân lực.

Sự có mặt của những nhà máy công nghiệp lớn như Nhà máy Sản xuất Polypropylen hay Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ còn mang ý nghĩa lớn lao với nền kinh tế, khi góp phần giảm bớt nhập siêu với những sản phẩm có chất lượng quốc tế được sản xuất ngay tại Việt Nam.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent