Cơ sở vật chất đã sẵn sàng
Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BQR), đơn vị sản xuất Jet A1 cho hay, từ đầu tháng 7 vừa qua, xăng Jet A1 của NMLD Dung Quất đã phù hợp với Tiêu chuẩn quốc tế (AFQRJOS - issue 24) quy định. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) - đơn vị đang chiếm thị phần chi phối tiêu thụ Jet A1 trong nước, có thể chưa tự tin lắm và việc bán cho khách hàng ngoại là Công ty BP thương mại lô Jet A1 đầu tiên cũng vì lý do đó.
Vẫn theo ông Giang, có thể Vinapco cũng cần phải hoàn tất các thủ tục nội bộ của mình như giấy tờ, quy trình và tính pháp lý, bởi cho đến nay, chưa có tiền lệ mua xăng Jet A1 được sản xuất trong nước.
Khẳng định với phóng viên về việc “sẵn sàng mua xăng Jet A1 của NMLD Dung Quất, bởi không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng, mà còn đỡ được gánh nặng cân đối ngoại tệ khi phải nhập khẩu xăng từ nước ngoài”, ông Trần Hữu Phúc, Tổng giám đốc Vinapco cho hay, theo quy định của nhà chức trách hàng không, bất kỳ vật tư, phụ tùng, hóa chất nào cung cấp cho máy bay đều là những sản phẩm phải được kiểm soát rất nghiêm ngặt, có đánh giá từ quy trình sản xuất, giám định chất lượng sản phẩm trước khi chấp thuận mua. Theo đó, Vinapco chỉ được phép mua Jet A1 từ các đối tác cung ứng đã được nhà chức trách hàng không phê chuẩn.
“Sở dĩ phải có sự kiểm soát nghiêm ngặt như vậy vì máy bay không chỉ là một tài sản đắt tiền, mà còn kèm theo sinh mạng của hàng trăm con người và nếu có sự cố xảy ra thì hậu quả khó lường”, ông Phúc nói. Vì vậy, trong ngành hàng không dân dụng, yếu tố an toàn là ưu tiên hàng đầu.
Được biết, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, đã ủy quyền cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) phê chuẩn nhà cung ứng nhiên liệu bay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Vinapco và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đều cho biết, từ cách đây 2 năm, hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán Jet A1 của NMLD Dung Quất đã được ký về nguyên tắc. Tới tháng 6 vừa qua, hợp đồng chi tiết về việc mua bán xăng Jet A1 cũng đã được hai bên hoàn tất các điều kiện chi tiết như điều kiện giao hàng, giá áp dụng, phương thức thanh toán.
Ngoài ra, khi NMLD Dung Quất chính thức cho ra sản phẩm Jet A1, Vinapco cũng đã hướng dẫn PV Oil lập hồ sơ và đệ trình lên VNA. Đồng thời Vinapco cũng đã tiến hành lấy 3 mẫu sản phẩm từ NMLD Dung Quất gửi đi giám định ở các phòng kiểm định độc lập tại Việt Nam và Singapore. Kết quả cho thấy, các mẫu đó đều đạt yêu cầu với các chỉ tiêu tương thích cho xăng Jet A1.
Vinapco cũng đã sẵn sàng các phương tiện, kho hàng để nhận xăng Jet A1 của NMLD Dung Quất với khối lượng khoảng 15.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, đến giờ, vẫn chưa thể tiếp nhận được lô hàng xăng Jet A1 nào của NMLD Dung Quất.
Tắc vì chưa được công nhận
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, sở dĩ Jet A1 của NMLD Dung Quất chưa thể bán được cho các doanh nghiệp nội do chưa đáp ứng được một trong 2 điều kiện được nhà chức trách hàng không đặt ra. Đó là, đối tác cung cấp hàng phải chứng minh đã bán xăng Jet A1 dưới thương hiệu nhiên liệu bay cho một hãng hàng không dân dụng nào đó, hoặc cho một đối tác nào đó (do đây là sản phẩm mới và rất nhạy cảm), hoặc NMLD Dung Quất phải hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 0991:2008, ISO 14001:2004 và OHSAS 18001:2007(dự kiến cuối năm nay sẽ nhận chứng chỉ). Như vậy, tùy theo điều kiện nào đạt được trước, thì VNA sẽ phê chuẩn việc NMLD Dung Quất vào danh sách cung cấp nhiên liệu bay Jet A1.
Rất có thể bởi những lý do này, nên PV Oil và NMLD Dung Quất đã xúc tiến việc đàm phán bán lô xăng Jet A1 đầu tiên cho các đối tác nước ngoài như Shell hay BP.
Bình luận về động thái này, một chuyên gia trong lĩnh vực lọc dầu cho rằng, các hãng dầu lớn như Shell, BP là những tập đoàn lớn và có nhiều kinh nghiệm về xăng dầu, có phòng kiểm định chất lượng riêng của mình đã dễ dàng nhận biết chất lượng sản phẩm xăng dầu đầu ra của NMLD Dung Quất ở mức độ nào. Trong khi đó, các đối tác Việt Nam không thể có các điều kiện như trên và sự thận trọng, cần một đối chứng là cần thiết trước khi quyết định mua, nhất là Jet A1 là sản phẩm đặc chủng, dùng riêng cho máy bay.
Các nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, trước đó, Shell được kỳ vọng là nhà mua lô hàng Jet A1 đầu tiên, bởi Shell đồng thời là nhà tư vấn chất lượng cho sản phẩm này của NMLD Dung Quất. Tuy nhiên, trong khi việc đàm phán với Shell chưa đi đến quyết định cuối cùng, thì BP thương mại đã “nhanh chân hơn”, nên lô hàng Jet A1 đầu tiên của NMLD Dung Quất đã được bán cho BP thương mại. Dĩ nhiên, giá cả của lô hàng đầu tiên cũng hấp dẫn với mức chiết khấu cao.
Cũng bởi lượng xăng Jet A1 mà NMLD Dung Quất có khả năng cung cấp trong năm 2010 là khoảng 120.000 tấn, và nếu chạy đủ công suất khoảng 200.000 - 300.000 tấn/năm, mới đáp ứng được hơn 30% nhu cầu của Vinapco, nên việc nhập khẩu Jet A1 từ nước ngoài vẫn phải tiếp tục.
Hai bên cũng đồng thời cho hay, giá bán Jet A1 của NMLD Dung Quất cho Vinapco sẽ áp dụng theo giá các hợp đồng dài hạn mà Vinapco nhập khẩu và quy đổi ra VND.
“Giờ NMLD Dung Quất đã bán Jet A1 cho BP thương mại và có chứng cứ rằng, Jet A1 này được đưa thẳng vào phục vụ máy bay dân dụng, không cần qua chế biến thêm, thì nhà chức trách có thể an tâm hơn để xem xét và phê chuẩn. Nếu được phê chuẩn, Vinapco sẽ tiến hành mua ngay vì chúng tôi đang rất khan hiếm ngoại tệ để mua nhiên liệu”, ông Phúc nói.