Để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, cồn từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường, trước năm 2016, Luật thuế TTĐB quy định, mức thu đối với xăng A92 dùng để pha chế với thuế suất 10%. Xăng E5, E10 được pha với tỷ lệ tương ứng 95%, 90% với xăng A92 và 5%, 10% với cồn sinh học. Theo đó, thuế TTĐB đối với 1 lít xăng E5 là 9,5% và 9% đối với xăng E10. Tiếp đó, từ năm 2016, mức thuế TTĐB đối với xăng E5 tiếp tục được điều chỉnh xuống còn 8%, mức 7% áp dụng đối với xăng E10. DN căn cứ vào mức thuế kể trên và tỷ lệ xăng khoáng dùng phối trộn nhiên liệu sinh học để tiến hành khấu trừ thuế TTĐB.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện, các hãng xăng dầu đang phát sinh số thuế được khấu trừ quá lớn, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của DN. Thậm chí, có DN tồn thuế để khấu trừ lên tới hàng chục tỷ đồng/tháng và dự báo con số này sẽ tăng cao hơn trong năm 2018 khi sản lượng xăng nhiên liệu sinh học tăng cao.
Từ thực tế đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các DN đề nghị Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan hướng dẫn lại số thuế TTĐB chưa được khấu trừ đối với mặt hàng xăng khoáng dùng để sản xuất xăng sinh học.
Cho rằng kiến nghị này là có cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo báo cáo Chính phủ.
Khẳng định việc hoàn thuế TTĐB với mặt hàng xăng khoáng, nguyên liệu sản xuất xăng E5 sẽ khiến cả người tiêu dùng và DN đều được hưởng lợi, PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) - phân tích, việc hoàn thuế TTĐB đối với xăng E5 sẽ khiến giá xăng giảm, giúp tăng sản lượng tiêu thụ, lợi nhuận.
Đặc biệt, việc hoàn thuế TTĐB với xăng khoáng, sẽ kích thích các DN tập trung đầu tư sản xuất dòng sản phẩm xăng sinh học - sản phẩm được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý rằng, việc hoàn thuế sẽ khiến ngân sách hụt thu trong khi cân đối thu - chi ngân sách nhà nước vẫn luôn là mối lo thường trực.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng vừa lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có việc tăng thuế BVMTvới xăng dầu từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít, còn dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít… Lý giải cho đề xuất này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các hiệp định thương mại tự do từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo các DN, với quy định hiện hành, mức thuế BVMTvới nhiên liệu mức II và mức IV đang được "đổ đồng" bằng nhau (1.500 đồng/lít), nghĩa là thuế BVMTvới xăng E5 bằng với diesel là không hợp lý.
Trong văn bản gửi cơ quan chức năng mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kiến nghị áp dụng chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch (tiêu chuẩn khí thải mức IV và V), đồng thời áp dụng mức thuế BVMTở mức thấp hơn, ví dụ bằng 90% mức thuế đối với các nhiêu liệu tiêu chuẩn mức II. Ngoài ra, Petrolimex đề xuất áp dụng mức thuế BVMTđối với xăng sinh học E5 và E10 lần lượt bằng mức 80% và 70% so mức thuế của xăng khoáng kể từ thời điểm 1/7/2018.