Những dữ liệu kinh tế lúc có lợi, lúc bất lợi cho giá dầu đã khiến mặt
hàng này không còn giữ được ở trên ngưỡng 80 USD/thùng.
Sáng 11/8 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao
tháng Chín tại New York đã nhích 6 cent lên 80,31 USD/thùng, ngược với đà
giảm 1,23 USD đêm trước.
Giá dầu tăng chủ yếu là nhờ báo cáo cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm trong
tuần trước và điều này làm giới đầu tư tin rằng nhu cầu năng lượng của Mỹ đang
được cải thiện.
Tuy nhiên, chiều cùng ngày cũng chính tại thị trường này, giá dầu thô đã
lại giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý 80 USD/thùng, do những lo lắng về sự suy giảm
của nền kinh tế Mỹ cũng như nhu cầu yếu của Trung Quốc.
Theo đó, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng Chín giảm 40 cent xuống
79,85 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 35 cent
xuống 79,25 USD/thùng.
Theo chuyên gia về đầu tư thuộc Công ty tài chính Phillip Futures, bà Ong
Yi Ling, diễn biến trên thị trường châu Á chiều ngày 11/8 là sự nối tiếp của
hoạt động bán ra trên thị trường dầu mỏ Mỹ đêm trước, vì các nhà đầu tư khá lo
ngại về nhu cầu nhiên liệu của Mỹ và triển vọng kinh tế toàn cầu.
Giá dầu thô ngọt nhẹ đã giảm trong phiên 10/8 tại nhiều thị trường giao
dịch chủ chốt trên thế giới sau khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết có thêm gói chi tiêu kích thích để thúc
đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này khi có dấu hiệu cho thấy quá trình hồi
phục sau suy thoái toàn cầu đang bị mất đà.
Theo FOMC, tốc độ hồi phục về sản lượng và việc làm của kinh tế Mỹ đã chậm
lại trong những tháng gần đây và dự kiến nó sẽ còn diễn biến chậm chạp hơn trong
ngắn hạn./.