Giá xăng tăng vì tác động từ quỹ bình ổn giá xăng dầu
22/08/2016 7:51:00 SATin trong nước

Việc có tới 14/21 doanh nghiệp đầu mối đang âm quỹ bình ổn giá xăng dầu, cộng với giá bình quân mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng trong 15 ngày qua đã khiến Liên Bộ Tài chính, Công Thương tăng giá xăng tới gần 700 đồng/lít.

Tuy nhiên, việc Liên Bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng như hiện hành cũng được xem là một tác nhân khiến giá tăng mạnh.

Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tính tới hết quý 2/2016. Theo đó, số dư dù còn khoảng 1.500 tỉ đồng nhưng đã giảm gần 60% so với thời điểm cuối năm ngoái. Theo đó, có tới 14 trong số 21 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị âm quỹ. Tới hết quý II/2016 số dư quỹ bình ổn xăng dầu còn gần 1.500 tỷ đồng, giảm tới 60% so với thời điểm cuối năm 2015.

Theo Bộ Tài chính, quỹ giảm mạnh vì trong khi mức chi sử dụng trong quý 2 lên tới 3.821 tỉ đồng thì số trích lập chỉ khoảng 1.525 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý, có tới 14/21 doanh nghiệp đầu mối bị âm quỹ.

Trong sách này có cả những “ông lớn”, như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) âm 86,6 tỉ đồng. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp nhỏ như: Công ty CP Hóa đầu Quân đội (35,7 tỷ đồng); Lọc hóa dầu Nam Việt (24,6 tỷ), Công ty TNHH Vận tải bộ Hải Hà (45,6 tỷ), Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS (43,1 tỷ); Công ty TNHH Hải Linh (69,5 tỷ đồng)…

Hiện tại, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn lớn nhất với số dư tới 1.424,9 tỉ đồng, TCty Xăng dầu Quân đội dư 218,5 tỉ đồng; Saigon Petro dư 172,3 tỉ đồng, Cty CP Dương Đông – Hòa Phú dư 2.36 tỉ đồng…

Trao đổi với DĐDN xung quanh câu chuyện của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. TS. Lê Huy Khôi – Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường – Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải là xa lạ với nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… sử dụng như là một công cụ tài chính hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Ở Việt Nam, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu xưa nay vốn được dùng làm công cụ cân đối, dùng trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá mạnh. Việc hình thành và vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo tính công khai minh bạch, giá xăng dầu đã dần theo sát giá thị trường, mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ.

TS Khôi nói rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện cũng đang có một số ý kiến cả về cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng và hiệu quả thực tế của Quỹ… Vì vậy mà quản lý thị trường xăng dầu Việt Nam cần phải theo hướng mở, dần dần vận hành theo đúng quy luật của thị trường, thay vì điều hành và chi phối thị trường thông qua Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trước nay và cho đến thời điểm hiện nay. Việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ do thị trường quyết định, giá sẽ được điều chỉnh hàng ngày, không cần phải đợi đến chu kỳ 15 ngày như hiện nay.

Tuy nhiên, một mặt để đảm bảo mặt hàng xăng dầu được vận hành theo đúng quy luật của thị trường, mặt khác đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu trên thị trường nội địa, có thể trước mắt vẫn nên tiếp tục duy trì hoạt động của Quỹ, nhưng cần xem xét tính lãi quỹ bình ổn, tránh tình trạng chiếm dụng vốn và đảm bảo công bằng xã hội. “Về lâu dài, thay vì duy trì Quỹ bình ổn, chúng ta nên nghiên cứu và xây dựng Quỹ An ninh năng lượng quốc gia”. TS Khôi nói. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng giá xăng lần này, cũng có phần do Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu theo Công văn số 718/BTC-QLG của Bộ này ngày 18/8.

Theo tính toán, số thu thuế và phí đã chiếm khoảng 50% giá bán lẻ xăng dầu, do vậy việc giá xăng tăng cũng có phần do chính sách thuế trong nước với mặt hàng xăng dầu đang cao và không phù hợp với các cam kết.

Chẳng hạn thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, gần đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện thuế nhập khẩu đối với xăng là 10% theo FTA Việt Nam – Hàn Quốc, đối với các mặt hàng dầu là 0% theo ATIGA, và áp mức thuế này vào tính giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, tính công khai, minh bạch của cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền không thuyết phục được người tiêu dùng, giới chuyên gia, các phương tiện truyền thông và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Dư luận cho rằng, khi nào cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn dùng những biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường xăng dầu trong nước thì khi đó giá xăng dầu sẽ còn không minh bạch.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent