Bộ Tài chính cho biết, nhằm giảm bớt chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ các FTA của mặt hàng xăng dầu, theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành từ ngày18/3/2016.
Theo đó, kể từ ngày 18/3, Bộ Tài chính quyết định thay đổi mức thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng xăng, dầu được như sau: Xăng khoáng và xăng sinh học là 20%; dầu diezel và dầu diezel sinh học là 7%; dầu madút là 7%; dầu hỏa là 7% và mặt hàng xăng máy bay và nhiêu liệu động cơ máy bay là 7%.
Như vậy có thể thấy rằng, Bộ Tài chính mới chỉ giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng dầu như dầu diezel; dầu madút; dầu hỏa... Trong khi đó, đối với mặt hàng xăng thì vẫn giữ nguyên ở mức thuế 20%.
Lý giải về việc này, theo Bộ Tài chính, việc giữ nguyên mức mức thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng 20% là vì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Biểu Atiga là 20%, chỉ có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Biểu Việt Nam - Hàn Quốc là 10%, nhưng là mức mới được quy định, thực tế xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chưa nhiều và chưa có thông tin về chứng nhận xuất xứ C/O đối với loại hàng hoá nhập khẩu này.
Còn đối với các mặt hàng dầu diezen, dầu hoả, mazut, nhiên liệu bay, việc giảm từ 10% và 13% xuống 7% là vì thực tế hàng hoá nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc về tới Việt Nam cần tốn thêm khoản chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6-7% giá xăng dầu nhập khẩu, tương đương với mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 7%.
Bộ Tài chính khẳng định, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng dầu tại Thông tư số 48/2016/TT-BTC nêu trên, về cơ bản đã đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Đánh giá về phương án xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở mới với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đồng quan điểm với Bộ Tài chính khi cho rằng đây là phương án hợp lý và phù hợp nhất trong bối cảnh hội nhập.