Giá dầu thế giới đã giảm 40% trong năm 2015, nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ giảm từ 12-30%
Trước quan điểm của nhiều chuyên gia và dư luận xã hội cho rằng nên điều chỉnh lại cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương mới đây đã có ý kiến về vấn đề này, theo đó khẳng định sẽ đảm bảo thực hiện cơ chế điều hành giá xăng dầu minh bạch, hợp lý, đồng thời sẽ xem xét lại cơ chế trong thời gian tới để bám sát diễn biến thị trường thế giới, đảm bảo quyền lợi cho người dân và các DN.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, năm 2015 đã có 23 đợt điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó số lần giảm giá, mức giảm giá nhiều hơn số lần tăng giá, mức tăng giá. Biên độ điều chỉnh giá không quá cao, phù hợp với điều kiện, nhờ đó góp phần hỗ trợ giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, giúp cải thiện đời sống của người tiêu dùng.
Theo tính toán, trong năm 2015 giá dầu thế giới đã giảm tới 40% nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ giảm từ 12%-30%, trong đó giá xăng giảm ít nhất chỉ 12%, cá biệt có thời điểm giá dầu thế giới giảm nhưng trong nước lại điều chỉnh giá tăng gây nhiều bức xúc.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, biến động giảm giá xăng dầu trên thị trường thế giới và thị trường trong nước là một nhân tố tăng nhu cầu sử dụng xăng dầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và nhu cầu của người dân.
Ước tính, lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước năm 2015 tăng khoảng 12-15% so với năm 2014. Tuy nhiên, về cơ bản, nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước đã được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu trong bất kỳ thời điểm nào.
Bên cạnh đó, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước năm 2015 đã được cải thiện. Cho đến nay đã có tổng cộng 69 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường trong nước, cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh trực tiếp với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về giá bán lẻ, qua đó giúp DN, người tiêu dùng được lựa chọn mua mặt hàng này với mức giá phù hợp.
Để đảm bảo tính công khai minh bạch trong điều hành, nội dung điều hành kinh doanh xăng dầu năm 2015 đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đăng công khai, minh bạch trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để người dân, DN và mọi người quan tâm có thể tìm hiểu, theo dõi và giám sát.
Liên quan việc thực hiện cơ chế điều hành xăng dầu, ông Hải nhận định, qua hơn 1 năm thực hiện, có thể đánh giá các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu bước đầu là phù hợp và công tác điều hành kinh doanh xăng dầu đã đạt được một số bước tiến.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia và dư luận cho rằng, cơ chế điều hành theo chu kỳ 15 ngày đã không còn phù hợp với diễn biến giảm liên tục của giá xăng dầu gần đây trên thị trường thế giới, dẫn tới tình trạng giá dầu trên thế giới giảm mạnh song giá xăng dầu trong nước lại không tăng/giảm theo diễn biến của thị trường toàn cầu.
Theo tính toán, trong năm 2015 giá dầu thế giới đã giảm tới 40% nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ giảm từ 12%-30%, trong đó giá xăng giảm ít nhất chỉ 12%, cá biệt có thời điểm giá dầu thế giới giảm nhưng trong nước lại điều chỉnh giá tăng gây nhiều bức xúc.
Trước những ý kiến này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết tới đây, Bộ Công Thương sẽ xem xét cân nhắc để có thể tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay dù trong Nghị định 83 không có quy định này, nhằm đảm bảo thực sự bám sát diễn biến thị trường thế giới, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và DN. Quỹ bình ổn cũng có thể cân nhắc không cần sử dụng khi việc điều hành thực sự bám sát diễn biến thị trường.
Ông Hải khẳng định, thời gian thực hiện Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu mới được 1 năm 2 tháng. Do vậy, cần thêm thời gian vận hành để có thực tiễn đúc kết, qua đó phát hiện chính xác, chỉnh sửa những nhược điểm, vướng mắc cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Trong quý I/2016, Liên Bộ Công Thương-Tài chính sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các DN, cơ quan liên quan, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam… Sau đó sẽ có tổng hợp, đánh giá, đề xuất để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Mọi đề xuất, thay đổi nếu có sẽ trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, phù hợp với năng lực thực tế của các DN kinh doanh xăng dầu, cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng…”, ông Hải nhấn mạnh.