|
Trong khi giá xăng giảm liên tục, các hãng máy bay chỉ bắt đầu cân nhắc việc giảm giá vé - Ảnh: Hoài Linh |
Ở Pháp vào năm 2005, ba nhà mạng điện thoại di động bị phát hiện có hành vi thông đồng để giữ giá dịch vụ ở mức cao đã bị chế tài rất nặng. Tổng số tiền phạt lên tới trên 534 triệu euro, không chỉ được coi là mức phạt kỷ lục vào thời điểm đó mà còn là bài học cho các doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh.
Các hãng máy bay chỉ bắt đầu cân nhắc việc giảm giá vé khi bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lên tiếng nhắc nhở.
Có vẻ như trong cuộc chiến bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người dân nói chung, chống sự thao túng của các doanh nghiệp vận tải, rộng hơn nữa là các nhóm lợi ích trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển hành khách, nhà chức trách, xã hội không tỏ ra có uy lực, đáng gờm. Doanh nghiệp không sợ bị phạt, cũng không lo bị tẩy chay.
Nhiều người nghi ngờ việc chậm giảm giá là do giữa các nhà kinh doanh vận tải có sự đồng thuận, đúng hơn là sự thông đồng ngấm ngầm về việc giữ giá ở mức cao để cùng hưởng lợi. Nói “nghi ngờ” bởi không có bằng chứng rành rành, chứ sự cảm nhận là rõ ràng.
Thật ra, sự câu kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề để thống lĩnh thị trường, chi phối quan hệ tiêu dùng theo ý mình là hiện tượng tự nhiên, muôn thuở. Đó là một trong những biểu hiện của lòng tham bản năng của con người.
Ở các nước, luật nghiêm cấm hành vi thông đồng giữa các nhà kinh doanh nhằm tạo ra nhóm độc quyền hoặc có khả năng chi phối mạnh, từ đó có điều kiện thao túng thị trường.
Đặc biệt, với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ tối cần thiết cho sinh hoạt của người dân, luật đặt ra biên độ dao động giá trên cơ sở những tính toán khoa học, hợp lý và đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh tôn trọng.
Để những điều cấm không phải là yêu cầu suông, luật đề ra những biện pháp chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc. Doanh nghiệp mà thông đồng nhau để trục lợi, vi phạm kỷ luật giá thì phải bị phạt tiền gấp nhiều lần số lợi thu được; người đứng đầu doanh nghiệp có thể bị phạt tù, bị tịch thu tài sản, bị cấm kinh doanh...
Bên cạnh sự chế tài của nhà chức trách công là quyền tẩy chay tập thể của người tiêu dùng được thực hiện với vai trò nhạc trưởng của hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bằng cách phát đi lời kêu gọi mang ý nghĩa hiệu lệnh hành động thông qua các diễn đàn thông tin chính thức của mình, hội tổ chức việc quay lưng từ chối đồng loạt của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nào đó. Không bán được hàng, dịch vụ không được sử dụng trên diện rộng, doanh nghiệp bị tẩy chay có nguy cơ thua lỗ nặng, thậm chí có thể phá sản. Họ rất sợ điều đó.
Ở Việt Nam có Luật cạnh tranh, Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật giá, nói chung không thiếu luật điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp.
Có thể một phần nguyên nhân của hiện tượng lũng đoạn là do việc thực hiện luật chưa được nghiêm. Nhưng phải thấy một số giải pháp pháp lý cơ bản tỏ ra không dứt khoát, khiến việc ngăn chặn, xử lý sai trái không hiệu quả.
Các chế tài vật chất chẳng khác “phủi bụi” trong nhiều trường hợp và không đủ sức răn đe. Quyền tẩy chay của cá nhân người tiêu dùng được thừa nhận, dù không rõ ràng; trái lại, người làm luật không trao quyền phát động tẩy chay đồng loạt cho hội người tiêu dùng: có lẽ do thấy trình độ dân trí chưa đủ cao, hay còn e ngại điều gì đó...
Những khó khăn trong việc thúc đẩy giảm giá cước vận tải cho thấy sự cần thiết chỉnh đốn khung luật pháp. Cần sửa luật để có thể phạt thật nặng những doanh nghiệp gian lận, thậm chí đặt họ trước nguy cơ tán gia bại sản do hành vi đó.
Cần trao cho người tiêu dùng quyền cần thiết để có thể “vỗ vai” nói chuyện với doanh nghiệp trong tư thế đĩnh đạc của người có nhiều lựa chọn.
Đặc biệt, phải làm cho doanh nghiệp thấy người tiêu dùng có thực lực và có khả năng trừng phạt, răn đe bằng sức mạnh tập thể, chứ không phải là một cá thể đi tìm kiếm, cầu xin hàng hóa, dịch vụ giá rẻ với thái độ rụt rè, tự ti, an phận.