Vào lúc sáng nay, trên
bảng giao dịch điện tử New York, dầu thô kỳ hạn tháng 9 giá tăng 25 US
cent hay 0,3% đạt 80,95 USD/thùng, còn dầu Brent tại London giá đã tăng
lên 80,30 USD/thùng. Từ đầu năm tới nay, giá đã tăng 15%.
Tuần qua, giá dầu thô đã
chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 tuần, bởi thị trường chứng
khoán tăng giá và đồng USD giảm giá thúc đẩy các thương gia mua hàng hoá
tính theo USD vào. USD đã giao dịch ở mức thấp gần nhất trong hơn 3
tháng nay so với Euro, khiến thị trường hàng hoá lại trở nên hấp dẫn các
nhà đầu tư.
Tính chung trong tuần qua, giá dầu đã tăng 4%.
Ngay trong tuần giao dịch
đầu tiên của tháng, thị trường dầu thô tại New York đã tạo ấn tốt khi
từ từ tiến bước và lần lượt chinh phục các mốc 79 USD, 81 USD.
Tiếp đó, tuy phải đối mặt
với không ít các thông tin kinh tế bất lợi nhưng thị trường vẫn duy trì
mốc 82 USD/thùng trong 3 phiên liên tiếp.
Kết thúc ngày 6/8, dầu
thô kỳ hạn tháng 9 đã giảm giá xuống mức 80,70 USD/thùng, giảm 1,31
USD/thùng, tương đương giảm 1,6% so với phiên trước đó. Đây được ghi
nhận là phiên giảm mạnh nhất của thị trường dầu thô Mỹ kể từ hôm 27/7.
Cũng vào lúc đóng cửa
phiên giao dịch 6/8, giá dầu Brent tại London giảm 1,45 USD/thùng, tương
đương giảm 1,8% xuống 80,16 USD. Giá nhiên liệu xăng giao tháng 9 tại
NYMEX giảm 5,17 cent, tương đương 2,4%, xuống còn 2,1127 USD/gallon,
phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 1/7. Giá dầu sưởi cũng giảm 1,8%.
Nguyên nhân do số liệu
thống kê ở thời điểm đó cho thấy kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu xấu, ngay
lập tức tác động tới thị trường dầu phiên cuối tuần.
Theo báo cáo của Bộ Lao
động Mỹ, khu vực kinh tế tư nhân trong tháng 7 vừa qua đã tạo thêm
71.000 việc làm mới cho người lao động. Con số này tuy cao hơn mức tăng
31.000 việc làm hồi tháng 6 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo
90.000 việc làm mới mà các chuyên gia phân tích đưa ra trước đó.
Toàn nền kinh tế Mỹ trong
tháng 7 đã phải cắt giảm tới 131.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy
trì ở mức 9,5%. Theo nhận định của một số chuyên gia, tình trạng thất
nghiệp tại Mỹ chưa thể cải thiện trong nay mai.
Báo cáo của Bộ Năng lượng
Mỹ (DOE) đưa ra trước đó cho thấy dự trữ nhiên liệu xăng tại Mỹ tăng
lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại
có dấu hiệu đi xuống.
Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu dầu mỏ các loại trong tuần trước (tính tới ngày 30.7) giảm 2,5%, xuống mức 19,3 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc, khách hàng
tiêu thụ lớn thứ 2 trên thị trường dầu thô thế giới cho biết lượng tiêu
thụ các sản phẩm dầu mỏ trong nửa cuối năm nay có thể chỉ tăng 4%, so
với mức tăng 14% trong 6 tháng đầu năm do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trong năm 2009, chỉ riêng Mỹ và Trung Quốc đã chiếm tới 32% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn thế giới (theo thống kê của BP).
Triển vọng kinh tế Mỹ còn
nhiều diễn biến khó lường. Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang (FED) ông Ben
Bernanke lên tiếng cảnh báo quốc hội rằng nếu chính phủ không có những
chính sách đúng đắn vào thời điểm này thì cuộc khủng hoảng của Mỹ có thể
sẽ kéo dài sang năm 2010.
Tuy nhiên ông cũng cho
rằng nếu chính quyền Obama và ngân hàng TW có thể áp dụng một cách có
hiệu quả các giải pháp ổn định tài chính thì năm 2010 có thể lại là một
năm hồi phục trở lại. Và ông cũng nói rằng suy giảm tòan cầu về bản chất
là một mối đe dọa do lĩnh vực xuất khẩu đã bị tác động khá mạnh mẽ.
Với nỗ lực cứu vãn nền
kinh tế Quỹ dự trữ liên bang đã cắt giảm các tỷ lệ chủ chốt xuống gần
mức 0%, trong khi đó chính quyền Obama gần đây cũng đã ký kết một gói
kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD. Ông Bernanke cho rằng khả năng
bật dậy của nền kinh tế tiềm lực sẽ chủ yếu nằm ở mức độ thành công của
các giải pháp vực dậy các thị trường tín dụng và tài chính.