Xử phạt BP
05/08/2010 8:22:00 CHTin trong nước

Theo số liệu mới nhất được các nhà khoa học công bố sáng thứ Ba 3-8, lượng dầu tràn ra biển do giếng dầu Deepwater Horizon của tập đoàn BP bị nổ ngày 20-4 vừa qua là tai nạn tràn dầu lớn nhất thế giới, chỉ kém thảm họa dầu mỏ do con người cố ý gây ra ở Kuwait trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Tính toán của Nhóm Kỹ thuật Tốc độ dòng chảy (Flow Rate Technical Group) gồm các nhà khoa học do chính phủ Mỹ triệu tập, thực hiện dưới sự giám sát của Bộ Năng lượng và Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho thấy, lúc mới bị nổ, giếng dầu này phun ra biển mỗi ngày 62.000 thùng dầu, sau đó giảm dần xuống 53.000 thùng/ngày trước khi miệng giếng bị chặn lại vào ngày 15-7. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như video độ nét cao quay dưới đáy biển, sóng siêu âm, ảnh vệ tinh… nhóm này tính ra rằng, trong vòng 85 ngày thảm họa, lượng dầu thô phun vào đại dương là 4,9 triệu thùng.

Số liệu mới nhất cũng ghi nhận tập đoàn BP - bằng nhiều cách khác nhau - đã thu gom được 800.000 thùng dầu, số còn lại vẫn lơ lửng trong lòng biển như những đám mây độc và tác hại của chúng đối với môi trường, với hệ sinh vật biển cũng như với đời sống của các cộng đồng dân cư ven bờ vịnh Mexico vẫn chưa xác định được.

Dù không tính toán được chính xác quy mô của thảm họa, ngay từ đầu Chính phủ Mỹ đã có những phản ứng mạnh mẽ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bốn lần đi thị sát trực tiếp khu vực bị xâm hại, thậm chí ông phải hoãn một chuyến công du Indonesia - một đồng minh quan trọng và là nơi ông Obama sống thời thơ ấu - để theo dõi việc ứng phó với thảm họa. Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định khởi kiện BP và ban hành nhiều biện pháp buộc tập đoàn này phải chịu trách nhiệm. Chỉ vài tuần sau thảm họa, chính quyền Mỹ đã yêu cầu BP phải lập một quỹ 20 tỉ đô la Mỹ dự phòng cho việc bồi thường những thiệt hại kinh tế mà thảm họa gây ra cho dân Mỹ; yêu cầu BP phải báo cáo mọi giao dịch tài chính của tập đoàn và phải thanh toán mọi chi phí liên quan tới việc làm sạch môi trường vùng bị nhiễm dầu… Mới đây, ngày 29-7, một tòa án ở Mỹ đã bắt đầu thụ lý vụ kiện của 200 nguyên đơn đòi BP phải bồi thường thiệt hại.

Đáng chú ý là mức phạt mà BP phải chịu tương ứng với quy mô và mức độ nghiêm trọng của thảm họa. Theo Luật Nước sạch của Mỹ (Clean Water Act) cứ mỗi thùng dầu tràn ra biển, gây ô nhiễm nguồn nước thì người gây ra phải nộp phạt tối thiểu 1.100 đô la Mỹ (tức gấp 15 lần giá 1 thùng dầu hiện nay). Trong trường hợp có bằng chứng xác định tai nạn tràn dầu xảy ra do sự “thiếu trách nhiệm” của chủ thể, trong trường hợp này là tập đoàn BP, mức phạt sẽ tăng lên 4.300 đô la Mỹ cho mỗi thùng dầu. Sau khi số liệu mới nhất về lượng dầu tràn được công bố, các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ đang tính toán mức phạt mà BP phải chịu, dao động trong khoảng từ 4,5 tỉ cho đến 17,6 tỉ đô la Mỹ, chưa tính số tiền mà BP phải bỏ ra để ngăn chặn việc tràn dầu cũng như số tiền phải bồi thường cho những người dân mà công ăn việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng bởi thảm họa trên vịnh Mexico - dự tính sẽ không dưới 60 tỉ đô la Mỹ.

Mặc dù đã nỗ lực rất lớn và có thể coi là thành công trong việc tìm giải pháp khoa học để bịt miệng giếng dầu tràn, tập đoàn BP đã chịu tổn thất nặng nề cả về uy tín lẫn về kinh tế. Giá cổ phiếu của BP trên thị trường chứng khoán giảm thê thảm; ngày 21-6 giá cổ phiếu BP chỉ còn 27,02 đô la Mỹ, chưa bằng một nửa mức 59,88 đô la ngày 19-4 trước khi xảy ra thảm họa. Theo báo cáo tài chính mà BP công bố hôm thứ Ba tuần trước, trong quí 2-2010, tập đoàn này đã lỗ 17 tỉ đô la Mỹ do phải chi ra 32 tỉ đô la để ngăn chặn thảm họa tràn dầu. BP cũng đã phải bán đi nhiều tài sản giá trị ở khắp các châu lục để lấy tiền khắc phục hậu quả. Tổng giám đốc của BP, ông Tony Hayward, đã bị mất chức.

Nhiều người tưởng rằng, sự ra đi của ông Tony Hayward - và được thay bằng ông Robert Dudley, người Mỹ đầu tiên nắm cương vị điều hành tập đoàn BP của Anh - sẽ khiến Chính phủ Mỹ “nguôi giận” và rút lại đơn kiện. Nhưng không phải vậy, trước tin thay đổi nhân sự hàng đầu ở BP, người phát ngôn của Chính phủ Mỹ, Robert Gibbs, chỉ lạnh lùng: “Chúng tôi không quan tâm ai lãnh đạo BP. Họ có những nghĩa vụ và trách nhiệm phải chu toàn, cho dù ai làm giám đốc điều hành cũng vậy”.

Đối chiếu vụ Vedan bức tử sông Thị Vải ở Việt Nam với vụ tràn dầu ở vịnh Mexico, có người cho rằng Chính phủ Mỹ đã quá “nặng tay” với tập đoàn BP; thậm chí có người hoài nghi Chính phủ Mỹ xử ép BP để tạo điều kiện cho các tập đoàn dầu lửa Mỹ như ExxonMobil hay ConocoPhilips vươn lên sau khủng hoảng. Vụ BP là một tai nạn ngoài ý muốn và BP đã nỗ lực rất lớn để làm giảm tác hại của nó, cho dù phải thay lãnh đạo, phải bán tài sản để khắc phục hậu quả - hoàn toàn trái ngược với thủ đoạn của Vedan cố ý gây ô nhiễm trong suốt 15 năm và cò kè lật lọng trong việc khắc phục sự cố mà hiện vẫn nhởn nhơ coi thường luật pháp. Nhưng suy cho cùng, không giống như Việt Nam, chính quyền Mỹ ứng xử với BP theo luật, không chèn ép mà cũng không nhân nhượng. Luật của Mỹ không dung thứ cho mọi hành vi xâm hại tài sản quốc gia, xâm hại môi trường sống, dù nhỏ nhất, dù vô ý, dù gây ra bởi một doanh nghiệp đáng kính như BP. Sự quyết liệt của chính quyền Obama đối với BP không phải do họ “ác cảm” hay “thành kiến” với tập đoàn này mà chỉ là biểu hiện sức mạnh của nhà nước pháp quyền trong một xã hội thượng tôn pháp luật.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent