Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, ngày 23-11, giá cước vận tải, giá thực phẩm vẫn đứng yên. Đại diện một DN nông sản ở Bình Thuận cho biết, hàng hóa của DN chuyển vào TP.HCM đều phải thuê DN vận tải, chí phí này chiếm 30% giá thành. Thế nhưng đến giờ này giá cước vận tải không hề giảm.
Giá xăng đã được các cây xăng điều chỉnh giảm (Ảnh chụp sáng 23-11 tại cây xăng trên đường Trường Chinh, Q. Tân Bình)
Khảo sát tại các chợ ở TP.HCM, giá thực phẩm thiết yếu như rau, quả, thịt vẫn giữ nguyên không giảm.
Chị Ngọc Minh ở quận 12, cho biết sáng đi chợ thì thấy giá cả vẫn bình thường nhưng đổ xăng mới biết giá xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít. Người dân rất mừng vì giá xăng lâu nay chỉ thấy tăng. Xăng giảm liên tục tuy không nhiều nhưng là điều đáng mừng. Mức giảm cũng chỉ giúp tiết kiệm được phần nào nhưng hy vọng giá thực phẩm cũng giảm theo. Biết đâu giá xăng giảm sẽ giúp cuối năm nay giá hàng hóa Tết cũng bớt tăng cao hơn để chúng tôi có thể chi tiêu hợp lý.
Theo số liệu Cục Thống kê TP Hà Nội và TP.HCM vừa công bố thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 của hai thành phố trên đều giảm. Theo đó, CPI Hà Nội tháng 11 giảm nhẹ 0,3% so tháng trước. Trong 11 nhóm hàng được tính chỉ số giá, có ba nhóm hàng giảm. Đáng chú ý, nhóm giao thông giảm tới 2,93% là nguyên chính khiến chỉ số giá tiêu dùng của tháng giảm nhẹ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng giá xăng, dầu liên tiếp giảm chín lần liên tiếp trong thời gian qua nên các đơn vị kinh doanh vận tải đã giảm cước vận tải. Tuy nhiên giá cước giảm không nhiều so với mức giảm giá xăng dầu hiện nay, dự kiến giá cước vận tải còn tiếp tục giảm trong tháng sau. Tính từ đầu năm đến nay, CPI của Hà Nội tăng 1,79% và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Cùng lúc, Cục Thống kê TP.HCM cũng công bố CPI tháng 11-2014 với mức giảm 0,36% so với tháng trước. Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp, CPI của TP.HCM giảm và sau 11 tháng, CPI của TP.HCM mới chỉ tăng 2,02%, mức thấp nhất trong 13 năm qua.
Trong 11 nhóm hàng để xác định CPI có tới ba nhóm hàng giảm giá mạnh, hai hóm hàng đứng giá còn các nhóm còn lại tăng nhẹ. Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình có mức tăng mạnh nhất đạt 0,11% so với tháng trước. Trong khi đó, nhóm có quyền số cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng đã tăng trở lại ở mức 0,08% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,24%, thực phẩm tăng 0,09% và ăn uống ngoài gia đình tiếp tục giữ giá.
Một nhóm hàng liên tục giảm giá trong thời gian qua là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt. Sau khi giảm liên tục bốn tháng trước đó, tháng này, giá các mặt hàng nhóm này tiếp tục giảm 1,12% chủ yếu do tác động của việc giảm giá gas và dầu hỏa trong thời gian qua.
Đồng thời, nhóm giao thông cũng chịu tác động của việc điều chỉnh liên tiếp giảm giá xăng dầu cũng đã giảm 2,98% so với tháng trước. Nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giữ giá ổn định không đổi. Hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và USD tiếp tục diễn biến trái chiều tương ứng giảm 1,14% và tăng 0,22% so với tháng trước.