GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nêu quan điểm trước thực tế giá xăng dầu Việt Nam cao hơn so với giá xăng dầu các nước cùng khu vực như Malaysia, Indonesia.
Ngoài ra, GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng cũng giải thích nguyên nhân việc khai thác dầu thô được tiến hành trước sau đó mới xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất nhưng loại dầu khai thác được không dùng hoàn toàn cho nhà máy và vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài đồng thời xuất khẩu dầu thô khai thác được ra nước ngoài.
Chênh lệch Nhà nước hưởng
PV:- Mỗi năm Việt Nam khai thác được khoảng 15 triệu tấn dầu thô, nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến hơn 6 triệu tấn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Trong khi đó, vẫn phải nhập khẩu khoảng 10-20% dầu thô (tương đương khoảng 650.000-1,2 triệu tấn). Phải lý giải như thế nào khi việc khai thác dầu thô được tiến hành trước sau đó mới xây dựng nhà máy, nhưng loại dầu khai thác được không dùng hoàn toàn cho nhà máy, nguyên nhân vì sao, thưa ông?
GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng: - Dầu thô Việt Nam nói chung và dầu thô mỏ Bạch Hổ nói riêng là loại dầu nhẹ, rất sạch so với đại đa số các loại dầu khác trên thế giới. Khi xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, quyết định của Quốc Hội là ta tự làm mà không có liên doanh với ai cả, do đó, để giảm bớt vốn đầu tư, phương án thiết kế là chỉ sử dụng dầu Việt Nam, mà chủ yếu là dầu Bạch Hổ.
Việc thiết kế chỉ sử dụng dầu sạch mỏ Bạch Hổ đã làm đơn giản các quá trình công nghệ, nhất là khâu làm sạch lưu huỳnh và các tạp chất. Đó là cách tính toán giảm vốn đầu tư vì lúc đó chúng ta nghĩ (1997) sản lượng dầu Bạch Hổ còn phong phú.
Nhưng do nhiều nguyên nhân, tiến độ xây dựng nhà máy bị chậm đến 7-8 năm; năm 2009 nhà máy mới bắt đầu vận hành thương mại. Bây giờ thì sản lượng mỏ Bạch Hổ đã giảm đáng kể, sản lượng các mỏ khác được bổ sung vào, nhưng cũng chỉ giữ được mức sản lượng của cả nước xấp xỉ 15-16 triệu tấn/năm.
|
GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng |
Hiện nhà máy chỉ chế biến được chủ yếu là dầu Việt Nam, pha thêm dầu khác chỉ khoảng 10-20% là cao nhất, tỷ lệ các loại dầu thô khác trộn vào không thể tăng lên được.
PV: - Hiện dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất được nhập theo hợp đồng được ký từ năm 2010 với Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) và Công ty Dầu khí SOCAR (Azerbaijan), năm 2012 Công ty dầu khí Brunei Shell cũng đã ký hợp đồng với Petrovietnam VN mua bán dầu thô trị giá 250 triệu USD, mua 240.000 tấn/năm và dầu thô mua về sẽ trộn với dầu thô từ mỏ Bạch Hổ trong nước để dùng cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Xin ông cho biết, giá xuất đi, mua về của dầu thô phục vụ cho nhà máy lọc dầu chênh lệch giá như thế nào? Ai sẽ được lợi từ điều này hoặc ngân sách có thất thoát vì nhà máy Dung Quất khi vẫn đi nhập dầu thô thường xuyên?
GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng: - Việc ta bán dầu của ta và nhập dầu các nước không phải là làm cho hiệu quả kinh tế giảm đi mà ngược lại, rất có lợi về cân bằng thu chi.
Dầu Việt Nam hiện nay được đánh giá rất cao, giá vào lại cao nhất thế giới, cho nên xuất đi là rất lợi về giá, trong khi ta nhập dầu của các nước vùng Trung cận đông với giá rẻ hơn.
Còn lợi nhuận từ sự chênh lệch đó chủ yếu thuộc về Nhà nước. PetroVietnam (PVOil) bán dầu và nộp lại cho Nhà nước phần lợi nhuận cũng như các loại thuế. Việc Petrovietnam (PVOil) nhập dầu thô về cho Dung Quất thì không liên quan gì đến việc bán dầu thô mỏ Bạch Hổ.
Họ phải mua dầu Việt Nam với giá cao, được mua một phần dầu ngoại nhập với giá thấp hơn thì họ cũng có lợi, nhưng cái lợi đó cũng được phản ánh vào các khoản thu ngân sách.
Nhà máy lọc dầu không có lãi!
PV: - Dung Quất hiện cung cấp được 30% xăng nhưng giá xăng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào giá xăng dầu thế giới, điều này phải được hiểu như thế nào, thưa ông?
GS TS Hồ Sĩ Thoảng: - Vì nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ cung cấp được 30 % nhu cầu trong nước, cho nên phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, dù Việt Nam có sản xuất nhiều hơn nữa, ví dụ 100 % nhu cầu hoặc cao hơn nữa, thì vẫn phải tuân theo quy luật của thị trường là nhà sản xuất không thể bán sản phẩm dưới giá thành.
Hiện nay giá nhập khẩu dầu khá cao nên thực chất lợi nhuận của nhà máy lọc dầu không cao. Nếu so sánh giá xăng hay giá diesel với giá dầu thô trên thị trường thế giới ta sẽ thấy chênh lệch khá nhỏ, nghĩa là khâu chế biến được “trả công” khá thấp.
|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu của thị trường |
Các nhà đầu tư lọc dầu kỳ vọng nhiều vào khâu phân phối và các quá trình sản xuất hóa dầu để tăng lợi nhuận, đôi khi khâu hóa dầu và phân phối phải bù một phần cho khâu lọc dầu chỉ sản xuất các loại nhiên liệu.
Thực tế, trên thế giới các nhà máy lọc dầu phải đi kèm với sản xuất hóa dầu thì lợi nhuận mới khá lên được. Chính vì vậy, sau nhà máy lọc dầu Dung Quất, PetroVietnam chủ trương xây dựng tổ hợp lọc-hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa.
PV: - Việt Nam là một trong những nước khu vực Đông Nam Á có trữ lượng dầu thô lớn nhất cùng Malaysia, Indonesia song lại có mức giá xăng dầu cao nhất khi so sánh với Malaysia cao hơn khoảng 15.000 đồng/lít, Indonesia là hơn 5.000 đồng/lít. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực như vậy? Ông có thể cho biết, xăng dầu Malaysia và Indonesia chế biến do tự khai thác dầu thô hay nhập khẩu từ đâu, họ có chính sách gì để có thể kìm được giá xăng dầu? So với Việt Nam nguồn nhập khẩu và chính sách có những điểm gì khác nhau, thưa ông?
GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng: - Nói chung giá xăng dầu trên thế giới đều ở một mặt bằng xấp xỉ nhau, vì giá thành sản xuất ra chúng khác nhau không nhiều ở các quốc gia.
Nhưng tôi cũng biết ở một số quốc gia chính phủ có chính sách ưu đãi người dân vì các lý do khác nhau. Ví dụ thời tổng thống Sadam Husein còn tại vị Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq không có ngân sách nhà nước dành cho việc mua xăng phục vụ công tác, vì giá xăng chỉ 1 xu/lít.
Ở Malaysia giá xăng cũng rẻ hơn ở Singapore cho nên có việc dân Singapore sang đó đổ xăng rồi về. Việt Nam ta cũng một thời dân biên giới phía nam đưa xăng sang bán ở Campuchia, chênh lệch đến mấy nghìn đồng/lít.
Giá xăng dầu trong mỗi quốc gia khá phụ thuộc vào chính sách của quốc gia đó. Mấy ngày gần đây tôi thấy báo chí nói là các doanh nghiệp đang kêu rằng, xăng dầu ở Việt Nam chịu nhiều lọai thuế và phí quá nên đội giá lên đến vài chục phần trăm so với mặt bằng thế giới.
Malaysia và Indonesia hiện nay cung cầu xăng dầu cân bằng nhau, cho nên chủ yếu là họ tự bảo đảm an ninh năng lượng, nếu có xuất hoặc nhập thì cũng chỉ là để tăng thêm lợi nhuận.
Còn việc giá xăng dầu ở các nước đó thấp hơn ở Việt Nam ta thì rất có thể, nhưng theo tôi biết, gần đây chính phủ Indonesia cũng đã muốn tăng giá bán và đang gặp phản ứng tiêu cực từ dân chúng.
Nói cách khác, nếu nhà nước bù lỗ thì giá thấp, bỏ bù lỗ đi thì giá phải thông nhau với thế giới. Còn nếu nhà nước tăng thu từ các loại thuế và phí thì giá sẽ còn cao hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!