Trên thế giới, từ nhiều năm nay đã có nhiều quốc gia triển khai và thành công lớn việc nghiên cứu và phát triển loại NLSH. Theo các chuyên gia, xét về giá trị kinh tế, ngành sản xuất ethanol (thành phần chính của xăng sinh học) trên thế giới chỉ tính riêng năm 2010 đã tạo 1,4 triệu việc làm và đóng góp giá trị gia tăng 277,3 tỷ USD. Đến nay, hơn 50 nước trên thế giới đã sử dụng ethanol pha xăng để sử dụng. Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) cũng đưa ra dự báo, đến năm 2020 sản lượng ethanol toàn cầu sẽ tăng lên đến 160 tỷ lít. Ở Việt Nam, do nhận thức rõ được ý nghĩa tầm quan trọng và lợi ích kinh tế, xã hội của loại nhiên liệu mới mẻ này nên ngày 20-11-2007 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” tại Việt Nam. Ngày 22-11-2012 Thủ tướng Chính phủ ký tiếp Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành “Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn NLSH với nhiên liệu truyền thống”. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PVN) đã được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện 2 Quyết định trên trên toàn quốc, đã xây dựng một chiến lược mang tính “đi trước, đón đầu”, và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng trân trọng…
|
Tương lai không xa, tất cả các cửa hàng bán xăng dầu đều có xăng sinh học. Ảnh: Phú Quý |
Chiến lược ấy được bắt đầu từ việc nghiên cứu, thử nghiệm của Viện Dầu khí Việt Nam (thuộc PVN) về xăng E5/E10 từ năm 2003. Sáu năm sau đó, năm 2009, là đơn vị tiên phong, PVN đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và các địa phương triển khai đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất bio-ethanol đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với công suất của mỗi nhà máy là 100.000m3/năm, trong đó PV Oil (đơn vị thành viên chủ lực của PVN) trực tiếp là chủ đầu tư 2 nhà máy tại Phú Thọ và Bình Phước, PVN trực tiếp làm chủ đầu tư nhà máy Dung Quất (Quảng Ngãi). Theo kế hoạch, năm 2014 này, khi cả 3 nhà máy đi vào hoạt động với 100% công suất thì sẽ cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000m3 ethanol, đủ để pha trộn được 6 triệu m3 thành phẩm xăng E5 hoặc E10. Theo ước tính, nếu dùng xăng E5 con số này sẽ giảm nhập khẩu gần 300.000m3 xăng, làm lợi cho đất nước khoảng 200 triệu USD; nếu dùng xăng E10 sẽ tiết kiệm gấp đôi, khoảng 400 triệu USD. Việc phát triển NLSH- xăng E5 của VPN là một trong các mục tiêu nằm trong Quy hoạch phát triển ngành dầu khí và là một hướng phát triển được đặc biệt ưu tiên. Mục đích của Chiến lược này là đến năm 2015, tầm nhìn 2025 phải phát triển NLSH- xăng E5 bảo đảm tốt cho an ninh năng lượng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân (nguyên liệu sản xuất ra xăng E5 là những cây thực vật như mía, khoai tây, sắn… rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay cũng như lâu dài). Ngoài ra, PVN cũng đang nghiên cứu để lập báo cáo đầu tư cho các dự án sản xuất biodiesel công suất 100.000 tấn/năm từ cây hạt dầu Jatropha tại miền Bắc và miền Trung cũng như nghiên cứu sản xuất biodiesel từ các nguồn nhiên liệu khác. PVN nói chung và PV Oil nói riêng quyết tâm bảo đảm đến năm 2015 khi Nhà nước bắt buộc sử dụng NLSH- xăng E5 trên toàn quốc sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường. Điều này đã thể hiện rõ chiến lược của PVN trong tổ chức đầu tư cho phát triển NLSH- xăng E5 và đẩy mạnh việc phát triển loại nhiên liệu này ở Việt Nam.
Với ưu điểm lượng khí độc hại thải ra môi trường của xăng sinh học ít hơn so với xăng truyền thống nên khi sử dụng xăng sinh học, chúng ta đã cùng nhau làm giảm hiệu ứng nhà kính, giúp cho môi trường được an toàn và trong sạch hơn.
Để người dân có thể tiếp cận gần hơn với xăng E5, dự kiến sẽ phát triển thêm khoảng 40-50 cửa hàng bán xăng E5 và cung cấp ra thị trường khoảng 80.000m3 xăng E5, trong đó tập trung chủ yếu 7 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Bên cạnh đó, PVN/PV Oil tiếp tục nâng cấp và đầu tư 5 trạm pha chế xăng E5 tại Đình Vũ, Liên Chiểu, Nhà Bè, Vũng Tàu và Trà Nóc, với chi phí khoảng 3 tỷ đồng/trạm, quy mô pha chế từ 80-85 m3/mẻ. Ngoài ra, còn cải tạo, sửa chữa các trụ bơm xăng dầu với chi phí trung bình 40 triệu đồng/trụ bơm. Cũng để phục vụ kinh doanh đại trà xăng E5, PVN/PV Oil còn đầu tư 4 trạm pha chế điện tử, với công suất 280.000 m3/năm/trạm tại các tổng kho đầu mối, đưa vào hoạt động... Cho đến nay, sản phẩm này đã được có sự góp mặt tham gia cung ứng của 3 doanh nghiệp đầu mối là PV Oil, Petec và Saigon Petro. Bằng những nỗ lực từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý, bước đầu xăng sinh học E5 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.