Điều hành giá xăng dầu kiên định theo cơ chế thị trường
18/07/2014 8:27:00 SATin trong nước

(HQ Online)- Theo Bộ Tài chính, việc giữ ổn định thuế NK xăng dầu là yêu cầu cần thiết để giá xăng dầu có thể theo cơ chế thị trường. Ngoài việc tránh buôn lậu xăng dầu, giữ thuế NK ổn định còn để các DN sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có sự chủ động cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

xăng dầu
Công tác điều hành giá xăng dầu sẽ theo đúng cơ chế thị trường, căn cơ, bài bản và công khai, minh bạch. Ảnh: H.V

Tại buổi làm việc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về công tác điều hành giá xăng dầu 6 tháng đầu năm 2014 và phương hướng điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới (ngày 15-7, tại Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, đồng thời các chi phí hình thành giá thành, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG), mức lợi nhuận tối thiểu của các DN kinh doanh xăng dầu đã được công khai, minh bạch.

Công khai, minh bạch cơ sở tính giá

Trước việc giá xăng dầu thế giới đang đứng ở mức cao và dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hai Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá thế giới, đồng thời có phương án trong trường hợp giá thế giới tăng cao đột biến. Thủ tướng yêu cầu Liên Bộ thực hiện đúng nguyên tắc điều hành giá xăng dầu quy định tại Nghị định 84 với các mục tiêu đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng; góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực; thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu và điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước hợp lý, đảm bảo giá xăng dầu trong nước phản ánh được xu hướng giá thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu hai Bộ giải thích rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến, tình hình giá xăng dầu thế giới; phương án điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc của Nghị định 84; công khai minh bạch về các cơ sở hình thành giá bán lẻ xăng dầu; về việc sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, mức lợi nhuận của các DN để dư luận và nhân dân nắm rõ và chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 84 để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhằm đưa công tác điều hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường, căn cơ, bài bản và công khai, minh bạch.

Điều tiết thị trường bằng thuế

Tính từ đầu năm đến ngày 7-7-2014, có 15 lần xem xét điều chỉnh giá, nhưng thực chất chỉ có 5 lần điều chỉnh tăng, 5 lần điều chỉnh giảm, còn lại là các lần xem xét nhưng chỉ điều chỉnh các mức sử dụng Quỹ BOG và trích lợi nhuận định mức để giữ ổn định giá.

Trước những phản hồi của dư luận về việc vì sao Bộ Tài chính không giảm thuế NK thay vì tăng giá, ông Ngô Hữu Lợi- Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật thuế XK, thuế NK, mức thuế NK quy định đối với xăng dầu tối đa là 40%. Căn cứ tình hình trong nước, để chủ động cho các DN sản xuất kinh doanh và người dân tiêu dùng, Bộ Tài chính đã công bố các mức thuế suất thuế NK (barem) đối với các mặt hàng xăng dầu khi giá thế giới biến động, trong đó mức thuế NK xăng dầu phải là 20%. Tuy nhiên, mức thuế NK hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tuỳ loại). Như vậy, thuế suất thuế NK xăng dầu đang thấp hơn mức thuế NK công bố của barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do Luật thuế XK, thuế NK quy định.

"Có thể thấy thuế NK xăng dầu không chỉ đơn thuần công cụ thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường, tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án nhà máy lọc dầu trong nước, từng bước tiến tới đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn NK vì hiện nay Việt Nam mới sản xuất được 30%, phải NK 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mặt khác, suy cho cùng thuế thu vào ngân sách cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu, lợi ích chung của xã hội như chi cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, đặc biệt là chi cho người nghèo, vùng nghèo,..."- ông Lợi nói.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong định hướng điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và để bảo đảm thực hiện định hướng đó thì Nhà nước cần giảm sự can thiệp thông qua thuế NK để giá xăng dầu có thể dần theo cơ chế thị trường.

Cần giữ ổn định thuế NK

Trong thời gian tới, để việc điều hành đối với thuế NK xăng dầu cũng đảm bảo theo định hướng chung về điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã nêu ra 3 định hướng quan trọng:

Thứ nhất, việc điều hành giá xăng dầu sẽ kiên định theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Hiện nay, Chính phủ cũng đang chuẩn bị ký ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế cho Nghị định số 84 và tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn cơ chế đó.

Thứ hai, để bảo đảm định hướng điều hành giá xăng dầu, thuế NK xăng dầu cần tiếp tục giữ ổn định. Việc giữ ổn định thuế NK xăng dầu là yêu cầu cần thiết để giá xăng dầu có thể theo cơ chế thị trường. Ngoài việc tránh buôn lậu xăng dầu, giữ thuế NK ổn định còn để các DN sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có sự chủ động cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Thứ ba, Nhà nước đã, đang và sẽ có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN và đời sống của nhân dân thông qua việc sử dụng các loại thuế khác nhau, nhất là các sắc thuế trực thu. Thực tế, những năm qua, khi nền kinh tế và ngân sách khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã nhiều lần miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế đồng thời sửa đổi, bổ sung các Luật thuế (Luật thuế TNCN với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu lên 9 triệu đồng; Luật thuế TNDN với việc giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống 22% và cho các DN nhỏ và vừa thực hiện trước mức thuế suất 20%). Những giải pháp trên đã dẫn đến giảm thu khá nhiều nhưng thể hiện được sự đồng hành và chia sẻ của Nhà nước; thực sự là những giải pháp đòn bẩy có tầm ảnh hưởng, tác động rộng lớn đến đời sống xã hội cũng như hoạt động triển khai các giải pháp tài chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Công khai số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Bộ Tài chính cho biết: Đến hết quý II-2014, số dư Quỹ còn 1.594,749  tỷ đồng. Tổng số tiền trích Quỹ BOG trong quý II-2014 là khoảng 1.136,933 tỷ đồng. Số sử dụng Quỹ BOG trong quý II-2014 khoảng 388,520 tỷ đồng.

Trong tổng số dư Quỹ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số dư lớn nhất là 1.023 tỷ đồng; Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội số dư là 167.018  triệu đồng; Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) có số dư 130.403 triệu đồng… Đứng đầu danh sách DN có số Quỹ âm là Tổng Công ty Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC) có số Quỹ âm là 144.949 triệu đồng; Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Nam Việt có số Quỹ âm 29.110 triệu đồng; Công ty xăng dầu hàng không âm 13.641 triệu đồng…

Trước đó, theo công bố của Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31-3-2013 là khoảng 842.016 triệu đồng.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent