Cuối tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó có nội dung: Chấp thuận điều chỉnh cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu là Bộ Công Thương thay cho Bộ Tài chính.
Làm thế nào giám sát Bộ Công Thương?
Từ trước tới nay, hầu hết văn bản liên quan đến điều hành giá xăng đều là quyết định từ Liên bộ Tài chính-Công Thương. Trong đó, vai trò được xem như là chính để giám sát giá xăng thuộc về Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).
Cụ thể, khi giá thế giới biến động, các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ đề xuất lên Cục Quản lý Giá để tăng hoặc giảm. Sau đó, Cục Quản lý Giá sẽ cân nhắc tính toán lại giá cơ sở của các DN có hợp lý hay không. Nếu hợp lý, phương án tăng giá sẽ được chấp thuận, còn nếu không thì đề nghị DN không tăng giá. Thậm chí khi giá thế giới giảm mạnh nhưng các DN xăng dầu không có động tĩnh gì thì cơ quan này cũng sẽ yêu cầu các DN phải giảm giá.
Thế nhưng hiện Bộ Tài chính lại đề xuất chuyển nhiệm vụ điều hành giá xăng sang hẳn cho Bộ Công Thương quản lý. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là ưu điểm nhưng cũng là khuyết điểm.
Còn nhiều ý kiến băn khoăn liên quan đến việc Bộ Công thương điều hành giá xăng. Ảnh: HTD
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc Bộ Công Thương được giao quản lý giá tức là Bộ Công Thương sẽ chịu hoàn toàn tất cả mọi trách nhiệm về giá xăng. Như vậy, công luận sẽ có địa chỉ rõ ràng để truy cứu trách nhiệm. Đây là một ưu điểm.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, cũng có vấn đề cần quan tâm. Bộ Công Thương vừa chịu trách nhiệm về xuất nhập khẩu, về việc đại diện quản lý nhà nước đối với Petrolimex (DN chiếm trên 50% thị phần) giờ lại quản lý giá xăng thì ai sẽ giám sát? “Đây là câu hỏi lớn Quốc hội cần đặt ra cho Chính phủ. Bởi nếu Bộ Công Thương là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm, có quyền lực mà không có ai giám sát thì sẽ đi đến đâu?” - chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nói thêm: “Bộ nào quản thì cũng như thế nhưng quan trọng là phải có một cơ chế quản lý cụ thể để tránh những nghi ngại mà dư luận đang đặt ra. Hiện cơ chế mới chưa có thì việc dư luận đặt ra nghi ngại hoàn toàn có cơ sở và logic”.
Cũng theo vị này, Bộ Tài chính vẫn phải có trách nhiệm liên quan đến giá của DNNN, giá của những sản phẩm thiết yếu. “Trong chuyện này thì theo tôi vẫn phải có cơ quan liên ngành chứ không thể để một bộ vừa quản xuất, nhập khẩu, độc quyền và nay quyết cả về giá được” - ông Nguyễn Minh Phong nói.
Lo ngại ưu ái Petrolimex
Một trong những lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế còn băn khoăn khi chuyển giao điều hành giá xăng sang cho Bộ Công Thương, một phần còn vì lo ngại bộ này sẽ có sự ưu ái với Petrolimex. Bởi vì cơ quan này chính là cơ quan chủ quản của Petrolimex.
Bàn về điều này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Nếu như quyền lực mà không có ai giám sát thì có thể sẽ xảy ra ưu ái với anh A mà không ưu ái với anh B. Từ đây, tôi cho rằng Quốc hội cần có cơ quan giám sát Bộ Công Thương, thực hiện giám sát hiệu quả và báo lại với quốc dân. Tránh để bộ này lạm dụng quyền lực bao che cho DN vừa tự tung tự tác nhập khẩu, vừa độc quyền, vừa quyết định giá”.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Luật Cạnh tranh - TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, nói việc để Bộ Công Thương điều hành giá xăng thì chẳng khác nào bộ này đã “bao sân” tất cả. “Có cơ quan chủ quản nào muốn DN mình không có lợi nhuận. Thậm chí họ cũng có mong muốn DN của mình lợi nhuận và lợi nhuận hơn nữa. Thế nhưng về vai trò quản lý nhà nước thì nhiệm vụ của anh là phải đảm bảo quyền lợi của xã hội lên cao nhất. Trong đó, cụ thể là quyền lợi của người tiêu dùng yếu thế. Như vậy Bộ Công Thương sẽ làm như thế nào với hai nhiệm vụ trên? Tôi cho rằng trong trường hợp này, có lẽ mọi quyết định về giá của Bộ Công Thương dù có hợp lý nhưng chưa chắc sẽ thuyết phục được người dân” - TS Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Từ đây, ông Sơn đề xuất nên giữ như cũ, tức là vẫn để Bộ Tài chính cùng tham gia với Bộ Công Thương điều hành và quản lý giá xăng. Còn giải pháp lâu dài là để xăng dầu về đúng thị trường, khi đó các DN xăng dầu thực sự cạnh tranh về giá chứ không phải cạnh tranh còn nửa vời như hiện nay.