Xăng sinh học E5 hiện rất khó tiêu thụ
Như vậy, chỉ còn thời hạn 7 tháng để cơ quan quản lý cũng như các đơn vị nhà máy sản xuất đưa loại xăng sinh học E5 ra phổ biến thị trường.
Xăng sinh học xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ 2010. Nhưng hơn 4 năm qua mặt hàng này vẫn được ít người biết đến. Vì sao xăng E5 khó tiêu thụ? Nguyên nhân được chỉ ra, bản thân người tiêu dùng ít biết đến các tính năng thân thiện môi trường của E5, cũng như tâm lý tiêu dùng quen sử dụng xăng Ron A92 cũng như A95. Quan trọng nhất chính là do mạng lưới phân phối mỏng nên việc tiêu thụ rất khó khăn. Dẫn chứng cụ thể, cả Hà Nội có đến 500 điểm bán xăng nhưng chỉ có 3 cây xăng bán xăng E5.
Ông Phùng Đình Thực- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từng chia sẻ, một số dự án liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng sinh học của PVN đang "xấu đi”. Vì xăng E5 sẽ chỉ được áp dụng tại vài tỉnh, thành phố từ năm 2014 và áp dụng trên cả nước từ năm 2015 nên việc tiêu thụ xăng E5 là khó khăn, giá bán thấp hơn giá thành; kể cả xuất khẩu thì xăng E5 cũng chỉ đạt 650 USD/tấn, có giai đoạn thấp hơn giá thành, ảnh hưởng tới các dự án.
Được biết, sau khi chương trình sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học E5 được Chính phủ cho phép triển khai, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có 7 nhà máy sản xuất Ethanol (xăng sinh học) với tổng công suất 550 triệu lít/năm được xây dựng theo quy hoạch tại những vùng trồng sắn trọng điểm. Tiêu thụ trong nước khó khăn, các sản phẩm nhiên liệu sinh họ của các nhà máy buộc phải xuất khẩu với giá thấp. Hệ quả là không chỉ nhà đầu tư của cả 7 dự án sản xuất Ethanol trên cả nước đang khốn khổ khi các nhà máy hoạt động với công suất cầm chừng 20%, thậm chí phải ngừng sản xuất như Công ty Cổ phần Đồng Xanh, hay tính đường rút khỏi dự án như trường hợp của Itochu Nhật Bản.
Các nhà máy sản xuất xăng sinh học rơi vào cảnh sống dở chết dở. Chẳng hạn, đi vào hoạt động từ tháng 4-2012, nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu tại Bình Phước của PVN đã sản xuất được 13,677 triệu lít cồn. Tuy nhiên, lượng sản phẩm bán nội địa được 9,099 triệu lít, xuất khẩu được 0,1 triệu lít. Tức là không làm thì không được, làm rồi không biết bán ở đâu.
Theo ông Phùng Đình Thực, ngay cả PV Oil- đơn vị bán được nhiều xăng E5 nhưng lượng xăng bán ra cả quý không bằng một ngày sản xuất. Bởi vậy các nhà máy đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Trước lộ trình mà Thủ tướng đề ra, nhiều đơn vị sản xuất cũng như kinh doanh đề nghị phải có chế độ ưu đãi trong các loại thuế, phí. Để mở rộng mạng lưới phân phối xăng E5 tức các doanh nghiệp đầu mối phải đầu tư thêm hệ thống phối trộn, đầu tư hệ thống bồn chứa, phương tiện, vận chuyển.
Ứng phó với tình hình, Petrolimex cũng đã có những động thái riêng: Rà soát các chi phí phát sinh tăng khi triển khai kinh doanh xăng E5 tại Petrolimex, cử đoàn chuyên gia đi học hỏi kinh nghiệm phối trộn, kinh doanh xăng sinh học tại Thái Lan. Tổng giám đốc Trần Văn Thịnh cho biết, Petrolimex đang yêu cầu Công ty Xăng dầu Quảng Ngãi (Petroilmex Quảng Ngãi) báo cáo chi tiết thực trạng hệ thống cửa hàng xăng dầu và hệ thống đại lý, tổng đại lý để nghiên cứu, chỉ đạo phương án tiếp nhận xăng E3/E5 bằng đường bộ từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất với lộ trình của UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu triển khai từ ngày 1/6/2014, tức là sớm hơn 6 tháng so với lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Như vậy, quá trình thực hiện đích đến đang có những nghịch lý. Lộ trình có, quyết tâm cơ quan quan quản lý có. Petrolimex cũng như PVN có thể có những nước đi để hoàn thành mục tiêu chung. Song tâm lý sử dụng xăng E5 chưa rộng, nhà máy sản xuất chưa thiết lập được kế hoạch vững, khiến cho lộ trình này gặp khó khăn.
Một số chuyên gia bình luận, chưa kể việc đưa ra sử dụng rộng rãi xăng E5 còn phụ thuộc vào các vấn đề liên quan đến nội dung chính sách, kỹ thuật và công nghệ, văn pháp lý... Do đó, tại thời điểm này, việc mở rộng sản xuất – tiêu thụ xăng E5 vẫn được coi là "tiến thoái lưỡng nan”.