|
Người tiêu dùng cần nhiều hơn nữa thông tin tuyên truyền về lợi ích của xăng sinh học
|
CôngThương - Xu hướng toàn cầu
Ethanol và biodiesel là hai loại NLSH đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Ethanol được sử dụng để pha trộn với xăng theo các tỷ lệ có thể thay đổi trong một khoảng rộng, gồm có E5 (xăng chứa 5% ethanol), E10 (10%), E85 (85%) và E100 (100%). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ethanol sản xuất từ ngũ cốc giảm được 40% phát thải khí nhà kính so với xăng, và giảm tới 100% đối với ethanol sản xuất từ nguyên liệu cellulose và từ mía; biodiesel giảm tới 70% so với dầu điezen. Hàm lượng các khí thải độc hại khác như CO, NOx, SOx, hydrocarbon… đều giảm đi đáng kể khi sử dụng NLSH.
Trước những ưu điểm của NLSH, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Brazil, Thái Lan, Hàn Quốc… đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng nhiên liệu sinh học nhằm thay thế nguồn năng lượng dầu mỏ đang có nguy cơ cạn kiệt.
Năm 2010, Chính phủ Mỹ phê chuẩn 2,3 tỷ USD để hỗ trợ các nguồn năng lượng xanh. Theo kế hoạch đến năm 2022, nhiên liệu tái tạo phục vụ giao thông ở Mỹ mỗi năm phải đạt tới 36 tỷ gallon (1 gallon=3,785 lít). Dự kiến đến năm 2020 toàn bộ thiết bị quân sự trên bờ và dưới biển của Mỹ đều được thay thế 50% NLSH.
Liên minh Châu Âu (EU) quyết định giảm thiểu phát tán khí nhà kính và giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu bằng cách thực hiện mục tiêu thay thế 10% nhiên liệu dùng trong vận tải bằng các NLSH. Hiện có 14 quốc gia trong EU thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và triển khai sản xuất NLSH. Cụ thể: Chính phủ Đức xác định đến năm 2020, nguồn năng lượng tái tạo ít nhất phải đạt 30% tỷ lệ điện năng được sử dụng; Pháp huy động 1,35 tỷ euro để hỗ trợ cho sự phát triển NLSH và các nguồn năng lượng tái sinh; Phần Lan mỗi năm huy động 327 triệu euro để dành cho các nguồn năng lượng tái sinh và đến năm 2020 sẽ giảm thiểu mỗi năm 7 triệu tấn CO2 thải loại vào không khí.
Hiện nay Brazil đang là nước mà 90% các ôtô mới đã được lắp thiết bị sử dụng xăng ethanol. Khoảng 25% lượng xăng tiêu thụ ở Brazil đã được thay thế bằng ethanol. Sản lượng ethanol hàng năm tại nước này tăng trưởng khá lớn (trên 10%) và dự kiến sẽ đạt khoảng 32 - 35 tỷ lít vào năm 2015.
Bên cạnh đó, các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã có chính sách đầu tư lớn vấn đề NLSH. Ấn Độ đưa ra mục tiêu đến năm 2017, việc phối hợp sử dụng NLSH đạt 20%. Từ năm 2012 Hàn Quốc xác định sẽ yêu cầu phối trộn với 2% diesel sinh học nhằm nâng cao tính độc lập về nguồn năng lượng ở Hàn Quốc. Trung Quốc cũng có chính sách ưu tiên sản xuất và sử dụng diesel sản xuất từ mỡ động vật và dầu thực vật. Các sản phẩm này được miễn thuế nếu lượng dầu hay mỡ chiếm không dưới 70%.
Hiện nay, cả nước có 6 nhà máy sản xuất NLSH đi vào hoạt động với công suất 535 triệu lít ethanol/năm. Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước khoảng 20%, còn lại là xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Philippines. Đây là sự lãng phí lớn nguồn NLSH. Theo lộ trình của Chính phủ từ cuối năm 2014, sẽ đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 tỉnh, thành lớn và cuối năm 2015 sẽ dùng cho các loại xe trên toàn quốc. Và từ cuối năm 2017, đưa vào sử dụng toàn quốc xăng sinh học E10.
|
Việt Nam: Tiềm năng phát triển rất lớn
Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển NLSH, tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng NLSH vẫn còn hạn chế. Mỗi năm Việt Nam vẫn còn xuất thô hàng triệu tấn sắn để các nước sản xuất ethanol... Nhằm thúc đẩy phát triển ngành NLSH, phát huy cao nhất các lợi ích của NLSH đối với xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương - cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, phối trộn thành công NLSH là xăng sinh học E5, E10, E15, E20 (dùng ethanol phối trộn với xăng thông thường) và đưa ra bán thí điểm tại 160 cửa hàng trong cả nước. Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng NLSH là giảm từ 27-44% các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời tiết kiệm được nhiên liệu so với dùng các loại xăng thông thường.
Theo kết luận của các chuyên gia Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) và Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Viện Dầu khí Việt Nam sau khi đã có những thử nghiệm xăng sinh học trên động cơ thế hệ cũ, xăng E5, thậm chí E10, E20 trên động cơ thông thường đang phổ biến tại Việt Nam về cơ bản sẽ không ảnh hưởng tới tính năng của phương tiện. Thậm chí dùng các loại xăng sinh học còn giúp các loại xe máy, ôtô khởi động, tăng tốc tốt hơn.
Đặc biệt, với nguồn nguyên liệu chủ yếu từ sản xuất công nghiệp, việc phát triển NLSH có thể kích thích sản xuất nông nghiệp và mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp trong nước. Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Phương Đông - cho biết: Việc trồng sắn được duy trì ổn định thì sẽ có hơn 300 nghìn hộ gia đình, nếu nhân 4 người/hộ thì có khoảng 1,2 triệu người, hầu hết là những người rất nghèo, bà con sống ở vùng sâu, vùng xa ổn định được cuộc sống từ việc trồng sắn.
Người tiêu dùng thiếu thông tin
Nhận thức tầm quan trọng của NLSH đối với vấn đề an ninh năng lượng, pvn đã xây dựng lộ trình phát triển xăng sinh học với mục tiêu đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025 là phát triển nhiên liệu sinh học đảm bảo an ninh năng lượng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân. Để thực hiện mục tiêu này, pvn và Tổng công ty Dầu Việt Nam đã đưa 3 dự án sản xuất cồn nhiên liệu sinh học với công suất gần 300.000 m3/năm đi vào hoạt động, gồm Nhà máy Ethanol Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi và Nhà máy Ethanol Bình Phước (huyện Bù Đăng, Bình Phước).
Theo pvn, chính phủ đã cấp phép xây dựng 6 nhà máy sản xuất ethanol dùng sắn lát làm nguyên liệu đã giúp người nông dân trồng sắn ở các tỉnh lân cận ổn định sản xuất và cuộc sống. Bên cạnh việc thu mua sắn nguyên liệu, các nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật canh tác mới với mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân, tăng sản lượng hàng hóa...
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đầu ra và định hướng cho người tiêu dùng vẫn còn hạn chế khiến định hướng của Chính phủ trong việc thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học trên cả nước gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, mấu chốt của thị trường đầu ra là hệ thống phân phối. Chính sự thiếu kết nối và hỗ trợ giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh phân phối, đặc biệt người tiêu dùng thiếu thông tin về NLSH là những nguyên nhân chính làm khó cho xăng sinh học. Để giải quyết bài toán này chỉ còn cách đầu tư phát triển hệ thống phân phối rộng khắp trên toàn quốc, cùng với việc hạ giá thành sản xuất, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng xăng sinh học, vừa tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Có như vậy, vấn đề NLSH mới được giải quyết triệt để.