Trước đó, kể từ 0h ngày 1/4, liên Bộ Tài chính Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hạ giá bán lẻ các mặt hàng dầu diezen, dầu hỏa và madút 121-230 đồng một lít, kg. Riêng xăng được giữ nguyên giá bán.
Trả lời báo chí về việc điều chỉnh giá xăng dầu vào “giờ hiểm”, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) giải thích, giá tăng vào buổi tối nhằm thuận tiện hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông, nếu điều chỉnh vào ban ngày sẽ ảnh hưởng đến việc bán hàng của doanh nghiệp cũng như người dân.
“Không thể tăng giá trong ngày để bắt người dân xếp hàng chờ đợi kiểm kê hàng tồn, vào sổ sách”, ông Quyền khẳng định.
|
Xăng dầu vào giờ hiểm để doanh nghiệp thuận tiện làm sổ sách, quản lý hàng tồn, người dân cũng không phải chờ đợi. |
Mặc dù luật không quy định thời gian tăng hay giảm giá xăng dầu, tuy nhiên qua kinh nghiệm thực tế, ông Quyền cho hay, việc thông báo điều chỉnh sau 20h thuận lợi cho người kinh doanh, quản lý hàng tồn làm sổ sách cũng như phục vụ người dân. “Sau 20h, các hoạt động kinh doanh sắp kết thúc, doanh nghiệp tiến hành công việc kiểm kê, vào số liệu sổ sách để chuẩn bị cho giá mới vào ngày hôm sau”, ông nói.
Trên thực tế, trước đây, các đợt điều chỉnh giá xăng dầu chủ yếu được thực hiện vào ban ngày.
Còn nhớ, những lần điều chỉnh giá xăng dầu trước thời điểm tháng 4/2013, thường được thông báo trước thay vì tăng đột ngột khiến người tiêu dùng bị sốc, Vụ thị trường trong nước đã giải thích, không thể thông báo tăng giá xăng sớm do tài liệu đóng dấu mật và để tránh hiện tượng người bán lợi dụng găm hàng.
“Để tránh hiện tượng càng công khai bao nhiêu, thông tin càng dễ bị cá nhân lợi dụng bấy nhiêu thì việc tăng giá không thể công bố trước. Trong thực tiễn đã có một số cá nhân lợi dụng, do đó, việc điều hành giá cần đảm bảo không tạo ra sự khan hiếm giả”, ông Võ Văn Quyền nói.