|
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ khả năng cung ứng nguồn etanol nhiên liệu (bao gồm cả các vấn đề về giống và diện tích trồng cây nguyên liệu, cơ chế đối với người trồng cây nguyên liệu…) đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên liệu.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án giá bán thích hợp trên cơ sở điều chỉnh tỷ lệ thuế bảo vệ môi trường đối với các loại sản phẩm xăng E5, E10, B5, B10, xăng khoáng A92 và xăng khoáng A95.
Bộ Công Thương cần tính toán kỹ, thống nhất với các Bộ, ngành về giá, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/1/2014.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan rà soát các quy định kỹ thuật quản lý sản xuất, bảo quản và tồn trữ nhằm hạn chế thay đổi phương thức quản lý và tăng chi phí quá trình hình thành sản phẩm; xác định được định mức chi phí kỹ thuật đối với quá trình phối trộn, tồn trữ, vận chuyển và phân phối etanol nhiên liệu và xăng E5 làm cơ sở cho việc xác định giá thành sản phẩm xăng sinh học.
Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu việc xây dựng quy chuẩn về xăng khoáng nguyên liệu (xăng nền) và rà soát các quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo chất lượng xăng dầu.
Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc nghiên cứu, đề xuất thêm các phương án, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
Trong năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 1/12/2015.
Đây là chủ trương lớn nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng quốc gia, giải quyết các vấn đề môi trường và phát thải carbon tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn do thói quen tiêu dùng và nhu cầu của thị trường với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn thấp, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động đầu tư vùng nguyên liệu và tâm lý người tiêu dùng đối với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn e ngại, sợ rủi ro.