|
Đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN Thương mại Trung Đức bị bắt quả tang kinh doanh gian lận với sai số lên đến +6,5% |
Theo phân tích của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai, có rất nhiều thủ đoạn gian lận để đong thiếu xăng cho khách hàng. Chiêu thường được sử dụng hiện nay đó là kẻ gian can thiệp để làm sai lệch kết quả hiện trên màn hình cây xăng. Chúng sẽ tạo thành 2 mạch, một mạch quy chuẩn với sai lệch dưới 0,5%, mạch kia có sai số cao hơn để móc túi người tiêu dùng. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, họ sẽ can thiệp vào nguồn điện để khởi động mạch đo quy chuẩn hoạt động và khi bán lẻ cho khách hàng thì chế độ ăn gian được khởi động.
Theo quy định, mức sai số cho phép trong kinh doanh xăng dầu là +_0,5%, tuy nhiên trên thực tế, nhiều đơn vị đã can thiệp vào phương tiện đo lường tạo ra sai số rất lớn để rút thật nhiều tiền của người tiêu dùng. Đơn cử vào ngày 15/8/2013, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã bắt quả tang cột xăng Ron 92 của Đại lý bán lẻ xăng dầu DNTN Thương mại Trung Đức (địa chỉ số 216, đường Trường Sơn, phường Yên Thế, TP. Pleiku) có sai số lên đến +6,5%, nghĩa là đã vượt quá quy định 6%. Tính trong tháng 7/2013, cây xăng này đã bán ra thị trường hơn 30 ngàn lít xăng, với sai số như trên, trong tháng 7, cây xăng này đã “móc túi” của người tiêu dùng 1.800 lít xăng.
Nhiều đơn vị còn lợi dụng địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít hiểu biết và khó khăn về giao thông để thực hiện hành vi gian lận như Cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 8 thuộc Công ty cổ phần Thương mại Nam Gia Lai (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) bị bắt quả tang cột đo xăng sai phạm với sai số +4,475%; Đại lý bán lẻ xăng dầu Ánh Lài (khối phố 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) gian lận với sai số +5,5%; Doanh nghiệp tư nhân Trí Tiên (làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) gian lận với sai số +2,6%...
Với gian lận kiểu này, người tiêu dùng rất khó phát hiện, còn với cán bộ chuyên trách thì phải có “nghề” và khi kiểm tra cũng phải sử dụng nghiệp vụ như Công an thì mới bắt quả tang được hành vi trên.