Giá cơ sở chính là “khung giá”!
Theo đó, sự kiểm soát của Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu thể hiện rõ qua việc kiểm soát tăng giảm giá dựa theo giá cơ sở. Giá cơ sở là căn cứ điều chỉnh giá trong nước vẫn được tính trên giá thế giới cộng thuế phí, quỹ bình ổn và 300 đồng/lít lợi nhuận định mức cho DN...
Đối với trường hợp giảm giá, dự thảo quy định, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 5% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối (hay còn gọi là DN đầu mối) phải giảm giá bán lẻ tương ứng.
Trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 5% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tiết về tài chính (thuế NK, quỹ bình ổn giá…) thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bén lẻ của mình.
Đối với trường hợp tăng giá, nếu như nghị định 84 cho phép DN chủ động tăng giá trong phạm vi 7% khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ thì trong dự thảo nghị định mới DN chỉ được tăng giá trong phạm vi 5%, đồng thời gửi phương án tính giá, quyết định điều chỉnh giá về cơ quan chức năng để giám sát.
Nếu giá cơ sở tăng vượt 5-8%, thương nhân đầu mối vẫn được quyền tăng giá 5%. Phần tăng giá còn lại từ 5-8%, thương nhân được tự tăng giá thêm 40%, còn lại sẽ dùng quỹ bình ổn xăng dầu. Tuy nhiên, DN sẽ phải gửi phương án điều chỉnh giá đến cơ quan chức năng trước thời điểm điều chỉnh giá hai ngày.
“Ở đây có thể hiểu, giá cơ sở chính là khung giá xăng dầu. DN chỉ được chủ động tăng, giảm có mức độ theo quy định trong phạm vi giá cơ sở.”- một thành viên ban soạn thảo nghị định mới giải thích.
Về thời gian điều chỉnh giá, dự thảo đưa ra nguyên tắc: Đối với trường hợp tăng giá thì thời gian tối thiểu để điều chỉnh giữa 2 lần là 10 ngày. Nhưng với trường hợp giảm giá thì tối đa là 10 ngày. “Quy định hạn chế thời gian giữa 2 lần tăng giá là 10 ngày nhưng không hạn chế thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm, DN có thể hôm nay tăng giá nhưng ngày mai có thể giảm ngay. Tuy nhiên, nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành mà sau 10 ngày DN không giảm giá thì cơ quan quản lý sẽ “tuýt còi” buộc anh phải giảm giá.”- thành viên ban soạn thảo cho biết.
“Quy định là trong phạm vi giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành dưới 5% DN có quyền chủ động giảm giá hay không. Nhưng nếu tới ngưỡng 5% mà DN không giảm thì cơ quản lý nhà nước sẽ quyết định điều chỉnh giảm. Và nếu trong lúc các DN khác giảm giá 5% nhưng DN nào tiết giảm chi phí đầu vào vẫn có thể giảm giá dưới mức 5%, hoặc khi các DN tăng giá trong phạm vi quy định mà DN nào muốn giảm giá thì luật cũng không cấm. Tức là, dự thảo nghị định chỉ giám sát trường hợp tăng giá mà không khống chế trường hợp giảm giá để có lợi cho người tiêu dùng. Thực tế, năm 2012 và trong năm 2013, các DN xăng dầu có quy mô nhỏ thường lợi thế về chi phí, nếu được chủ động về giá theo dự thảo giá bán lẻ của họ có thể thấp hơn các DN có quy mô lớn lớn. Như vậy có khả năng, giá bán lẻ xăng dầu của các DN không giống nhau. Quy định này là điều kiện để thêm tăng tính cạnh tranh cho DN. Mà hiện nay, thị phần của các DN nhỏ như Thanh Lễ đang tăng dần, trong khi thị phần của Petrolimex lại có chiều giảm xuống”- vị thành viên tổ soạn thảo nhận xét.
Công khai minh bạch hơn.
Điểm mới trong dự thảo lần này là để thị trường xăng dầu minh bạch hơn, dự thảo quy định cơ quan quản lý cũng như DN phải công khai trong điều hành cũng như kinh doanh xăng.
Đối với cơ quan quản lý, như Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin của mình 3 loại giá: giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời gian áp dụng biện pháp bình ổn giá (tránh tình trạng thời gian bình ổn giá kéo dài như trước đây-PV); số trích lập, số sử dụng và số dư quỹ bình ổn theo hàng quý và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước; điều chỉnh mức trích, mức chi quỹ bình ổn; công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán của các thương nhân đầu mối.
Thương nhân đầu mối cũng có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin của mình hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, số sử dụng và số dư quỹ bình ổn hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu; điều chỉnh mức trích, mức chi quỹ bình ổn; công bố tài chính trong năm tài chính khi được kiểm toán.
Để nghị định mới vận hành đầy đủ, giúp tăng quyền tự chủ của DN, đúng định hướng giá xăng dầu theo cơ chế thị trường của Chính phủ, dự thảo quy định, khi cơ quan nhà nước không trả lời hoặc trả lời không đúng nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu... thương nhân vẫn được quyền tăng giá, có nghĩa là cơ quan nhà nước sẽ buộc phải ra quyết định: hoặc cho tăng giá, hoặc sử dụng quỹ bình ổn, hoặc Nhà nước bù đắp, chứ không thể yêu cầu giữ giá, nghiên cứu thêm xu hướng như thời gian qua...
Đặc biệt, đối với trường hợp giá cơ sở tăng hơn 5-8%, sau 2 ngày DN đầu gửi phương án giá mà quan nhà nước không trả lời, hoặc văn bản trả lời không đúng nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu... thì DN đầu mối được quyền tự tăng giá 40% của mức giá cơ sở tăng trên 5% đến 8%. Sau 2 ngày (kể từ khi tăng giá phần 40%) mà Bộ Tài chính chưa quyết định xả quỹ bình ổn, thương nhân được quyền tăng giá nốt phần còn lại.
Dự thảo cũng đưa ra nguyên tắc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn. Theo đó, quỹ bình ổn giá sẽ được DN đầu mối hạch toán bằng một tài khoản riêng ở ngân hàng. Việc trích lập quỹ bình ổn chỉ khi kinh doanh xăng dầu có lãi; và sử dụng quỹ khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành trên 5%.
DN đầu mối có trách nhiệm với toàn bộ hệ thống
Thực tế các vụ việc vi phạm về chất lượng, đo lường, đóng cửa, găm hàng trong những lúc điều chỉnh tăng giá bán lẻ… thường diễn ra trong hệ thống tổng đại lý, đại lý xăng dầu, để hạn chế tình trạng này, dự thảo nghị định quy định DN đầu mối chịu trách nhiệm giảm sát về đo lường, chất lượng đối với cả hệ thống của mình, từ nhập khẩu đến bán lẻ. DN đầu mối có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý trong hệ thống phân phối của mình, thông báo bằng văn bản cho các cơ quan có thẩm quyền để quản lý.
Tuy nhiên, để DN đầu mối thực hiện được trách nhiệm đó, dự thảo vẫn khẳng định, mỗi tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với 1 DN đầu mối, và mỗi đại lý chỉ được ký với 1 tổng đại lý hoặc 1 DN đầu mối. Danh sách hệ thống tổng đại lý phải gửi về Bộ Công Thương, và danh sách hệ thống đại lý phải do Sở Công Thương nắm.
Để tránh trường hợp các tổng đại lý, đại lý lấy hàng từ nhiều, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn chế độ ghi chép chứng từ trong các khâu kinh doanh của tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu. “Cơ quan thuế sẽ chỉ chấp nhận hóa đơn của tổng đại lý hoặc đại lý đã ký hợp đồng với 1 đầu mối, còn nếu ký thêm với đầu mối khác thì các hóa đơn đó sẽ không được chấp nhận. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng chiết khấu cho đại lý quá cao khiến diễn ra tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh, quy định mới dự kiến buộc các đại lý bán lẻ xăng dầu phải ký hợp đồng với DN đầu mối hoặc tổng đại lý, trong đó nêu rõ mức thù lao”- thành viên ban soạn thảo nghị định cho biết thêm.