Điều chỉnh về tần suất, biên độ điều hành giá
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, các DN và cơ quan quản lý đòi hướng tới giá thị trường trong khi các mặt hàng xăng, dầu, điện, than, chưa hề hình thành một thị trường cạnh tranh nào. Thị trường xăng dầu vẫn già nửa thuộc quyền của Petrolimex thì không thể có giá thị trường được. |
Về cơ bản, Nghị định 84 mới vẫn lấy phương pháp xác định giá cơ sở, cách điều hành giá không khác nhiều với Nghị định 84 cũ. Nhưng bổ sung vào là một số điều về tần suất, biên độ điều hành.
Theo đó khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi năm phần trăm (≤5%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng trong trường hợp giá cơ sở vượt quá giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh tăng đến 5%, phần còn lại, liên bộ quyết định sử dụng các biện pháp bình ổn. Nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh giảm đến 5%, phần còn lại liên bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá hoặc tăng thuế nhập khẩu.
Trong khi đó, Nghị định 84 cũ ghi rõ, điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu, nếu yếu tố đầu vào làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% (≤ 7%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Nếu tăng trên 7% đến 12%, DN đầu mối được quyền tăng giá theo trường hợp ≤ 7% cộng thêm 60% của mức giá cơ sở tăng trên 7-12%; 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp.
Trường hợp giá cơ sở tăng trên 12%, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, Quỹ Bình ổn giá.
Trong Nghị định 84 mới, với việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ chỉ có hai trường hợp: trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi năm phần trăm (≤5%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng; hai là, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên năm phần trăm (>5%) so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính như thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá... thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm giá.
Ngoài ra, Nghị định 84 mới cũng bổ sung quy định cho thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu. Theo đó, thương nhân là tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Sở Công thương nơi tổng đại lý đóng trụ sở sẽ cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu; còn những thương nhân là tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì Bộ Công thương sẽ cấp giấy chứng nhận...
Doanh nghiệp vẫn than khổ
Cơ quan quản lý cho rằng, Nghị định 84 mới sẽ tạo cơ sở điều hành giá xăng dầu minh bạch, công khai, đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý, Bộ Tài chính - thành viên tham gia vào soạn thảo nghị định mới cho rằng: những điểm thay đổi trong nghị định mới đều hướng theo việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhà nước hạn chế dần các biện pháp can thiệp.
Tuy nhiên, đứng ở phương diện là DN đầu mối, đại diện thương nhân đầu mối phía Nam cho rằng, chưa bao giờ DN được toàn quyền định giá. Thực chất, liên bộ vẫn đứng sau giám sát về giá.
Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, Nghị định 84 thay thế này không chỉnh sửa lớn về nguyên tắc và nội dung quy định so với các dự thảo truớc và so với nguyên gốc nghị định hiện hành, nên mức độ hoàn thiện không cao và chưa thể góp phần giải quyết triệt để những bức xúc về quản lý và kinh doanh xăng dầu mà dư luận đã, đang và sẽ còn phản ánh. Bản thân Nghị định mới cũng chưa phát huy được hoạt động giám sát và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Quyền xử phạt và các mức, quy trình chế tài cụ thể cho mỗi cơ quan và lỗi vi phạm (nhất là vi phạm về chất lượng và số luợng xăng dầu bán lẻ) chưa thấy rõ.