Vấn đề giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm nguyên nhân chính từ sự bất cập trong cơ chế điều chỉnh giá.
Một lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc điều chỉnh giá bán trong vòng 10 ngày, nhưng tính giá cơ sở bình quân 30 ngày theo mức dự trữ lưu thông khiến giá bị lạc điệu. Nó cũng có lợi là giá xăng tăng “bò bò” không đột biến, nhưng hại nhiều hơn vì “bò” mãi không xuống được.
Giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm do sự bất cập trong cơ chế điều chỉnh giá - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Bình luận cơ chế này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, phê phán không ở đâu có cách tính giá xăng như ở Việt Nam.
Việc điều chỉnh giá 10 ngày, nhưng lại tính giá cơ sở 30 ngày dẫn tới sự thiếu bình đẳng, không sòng phẳng ngay cả với chính DN và người dân, mà người thiệt ở đây chắc chắn là người dân khi mà DN đang được định đoạt giá.
“Khi thấy giá xăng dầu thế giới tăng, họ ồ ạt tăng ngay, nhưng giá thế giới giảm họ lại chần chừ không ý kiến. Vài ngày sau giá thế giới tăng lại, tính bình quân 30 ngày họ lại kêu lỗ, lại đòi tăng giá tiếp, như vậy thì bảo sao người tiêu dùng chịu nổi”, TS Doanh chia sẻ.
Bà Phan Thanh Hà, Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho rằng, việc quy định dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày không phù hợp với cơ chế thị trường do nó đã làm tăng chi phí cho DN, đồng thời làm trì hoãn thời gian điều chỉnh giảm giá khi giá thế giới giảm. Với cơ chế hiện hành và đặc điểm của thị trường dầu thô trong giai đoạn hiện nay biến động rất thất thường, việc điều chỉnh giảm giá thường không kịp thời, luôn bị trì hoãn. Giá dầu thô, giá xăng thế giới tăng thì Việt Nam tăng theo, còn khi giá thế giới giảm, lại không giảm ngay.
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long đề xuất, hiện nay Việt Nam đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản lượng đáp ứng được 25 - 30% nhu cầu, do vậy không nên quy định dự trữ lưu thông 30 ngày làm cơ sở cho việc điều chỉnh tăng hoặc giảm giá. Liên bộ Tài chính - Công thương cần tính toán thu hẹp ngày dự trữ để không làm mất cơ hội giảm giá xăng bán lẻ trong nước.