Không giảm giá xăng, Bộ Công Thương hết ‘cảm xúc lạ’
06/08/2013 3:45:00 CHTin trong nước

Giá xăng dầu trong nước không thay đổi linh hoạt khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm. Bộ Công thương ngày 5/8 thẳng thắn cho rằng giá xăng dầu chưa thể giảm.

Thông tin này được đưa ra chiều 5/8, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 do Bộ Công Thương tổ chức.

Theo ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, xăng dầu tăng giảm còn phải được xem xét trên cơ sở giá bình quân của thế giới 30 ngày cùng nhiều yếu tố khác.

Theo ông Chiến, qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, từ ngày cuối tháng 7/2013, giá xăng dầu thế giới có giảm so với thời gian trước đó.

Tuy nhiên, việc quyết định tăng, giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào yếu tố quan trọng nhất là giá bình quân xăng dầu thế giới trong 30 ngày. Vì thế, việc tăng hay giảm giá xăng dầu phải căn cứ trước hết giá bình quân đó để xây dựng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

“Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước còn liên quan đến vấn đề thuế nhập khẩu, trích quỹ BOG, cụ thể là căn cứ theo quy định của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Nếu trong thời gian tới giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, giá bình quân cũng giảm và các yếu tố khác giảm thì các doanh nghiệp đầu mối dứt khoát phải giảm giá bán lẻ xăng dầu theo tinh thần Nghị định 84”, ông Chiến nói.

Tuy nhiên, trước mật độ điều chỉnh liên tục, trong 3 lần gần đây, giá đã tăng tổng cộng 1.240 đồng/lít xăng khiến nhiều ý kiến cho rằng, liệu cơ quan quản lý đã rà soát kỹ mức giá cơ sở bình quân 30 ngày trước khi cho phép DN đầu mối điều chỉnh giá?

Việc điều chỉnh với mật độ dày cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị sử dụng xăng dầu với số lượng lớn. Còn với người dân, đuổi theo giá cũng kiệt sức.

Trước phần lý giải của Bộ Công thương chiều 5/8, các câu hỏi liên quan đến giá điện đã không được đại diện lãnh đạo bộ trả lời.

Việc Tập đoàn Điện lực đột ngột thông báo tăng giá điện bình quân thêm 5% hôm 1/8 vừa qua, đúng một ngày sau khi Bộ Công Thương có Thông tư 19 quy định về giá bán lẻ điện và hướng dẫn thực hiện vẫn còn là đề tài nóng trong dư luận, vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đang rất quan tâm.

Lý do duy nhất được EVN dẫn ra trong thông báo hôm 1/8 rằng việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do việc tăng giá than và giá khí. Đặc biệt là giá than từ ngày 20/4/2013 tăng 37-41% tùy loại.

Các câu hỏi về vấn đề khác liên quan đến việc tăng giá điện chưa được giải đáp thỏa đáng, ví dụ như tình hình sản xuất, kinh doanh của EVN trong 6 tháng đầu năm ra sao, việc cân bằng tài chính thế nào, doanh thu 6 tháng có tăng hay không mà dẫn đến việc tăng giá, hoặc chi phí sản xuất điện năm 2012, việc lấy ý kiến nhân dân trước khi tăng giá được thực hiện ra sao…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Không trả lời thêm về giá điện nữa vì đã trả lời rất nhiều lần”.

Sự thẳng thắn này cho thấy "cảm xúc khó tả” của Bộ Công thương đã không còn tồn tại dù biết rằng đây là mặt hàng thiết yếu liên quan mật thiết đến đời sống của người dân.

Khác với những gì Bộ trưởng Bộ Công thương nói trước đó rằng: "Bộ Công thương cứ mỗi lần đặt vấn đề điều chỉnh tăng giá điện thì đều có tâm trạng rất khó tả. Nhưng không thể không điều chỉnh theo hướng tăng, đáng lẽ phải điều chỉnh sớm hơn (từ tháng 12/2012) chứ không phải bây giờ", Bộ trưởng Hoàng nói.

Nhưng dù sao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn kêu gọi người dân: "Để giải quyết vấn đề của ngành điện, người dân và xã hội cùng tham gia nếu không thì ngành điện sẽ rất khó khăn".

Và như thế dù giá điện vẫn tăng thì ít nhiều khi nghe nói như vậy thì dân cũng phải thông cảm thôi, bởi những khó khăn của các bà nội trợ phải cân nhắc khi túi tiền có hạn mà xăng tăng, điện tăng kéo theo tương, cà, mắm muối đều tăng cả… chỉ là nhỏ. Khó khăn của ngành điện, xăng dầu mới là lớn.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent