Trong một phát ngôn chính thức ngày 9/7/2013, Bộ Tài chính cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được vận hành theo các quy định được nêu trong Pháp lệnh giá và Luật giá nhằm mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan, tránh những tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Đại diện của Bộ Tài chính cũng khẳng định rằng, việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP và Thông tư 234/2009/TT-BTC. Mức trích lập và thời điểm trích lập đều được Bộ Tài chính tính toán dựa trên những biến động của thị trường và có thông báo đến các doanh nghiệp đầu mối thực hiện.
Quỹ bình ổn giá được hình thành theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ. Mức trích này cũng sẽ được Bộ Tài chính điều chỉnh phù hợp với những biến động của thị trường.
Và để đảm bảo tính minh bạch, Thông tư 234/2009/TT-BTC quy định: Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính - Công thương về việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá (thông qua các thông báo, công văn của Tổ giám sát liên ngành); doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Quỹ bình ổn giá.
Quỹ bình ổn giá được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. Định kỳ hàng quý và theo yêu cầu quản lý đột xuất các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với Bộ Tài chính.
Trong một đánh giá gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định: "Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...”
Đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết, trong thời gian tới, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện công khai tình hình trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đưa quan điểm bình luận về cơ chế vận hành, quản lý giá xăng dầu hiện nay, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc điều hành giá xăng đầu đã đảm bảo công khai, minh bạch và nhất quán.
Đi phân tích cụ thể hơn, vị chuyên gia này cho biết, về nguyên tắc, Nhà nước cố gắng thực hiện 2 yêu cầu trong quản lý giá xăng dầu là: Từng bước thị trường hóa nguyên tắc quản lý này để đảm bảo nguyên tắc thị trường và hội nhập trong quá trình phát triển và đổi mới kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Nhà nước cũng cố gắng giữ ổn định trong điều kiện có thể để tránh những cú sốc tăng giá ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng mục tiêu quản lý khác của Nhà nước.
Trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như các đợn vị có liên quan đã có nhiều cố gắng nhằm đảm bảo nguyên tắc trong quản lý, điều hành giá xăng dầu. Nó thể hiện rõ trong quy định của Nghị định 84/2009/NĐ - CP. Hiện nay, Nghị định 84 chính là nền tảng chủ yếu trong việc quản lý giá xăng dầu.
Có thể thấy rằng trong những năm qua, việc điều hành kinh doanh xăng dầu đã theo đúng các quy định tại Nghị định 84 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đó là điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới đảm bảo chia sẻ hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc công bố thông tin luôn đảm bảo công khai, kịp thời và minh bạch. Đơn cử có thể dẫn chứng ngay là trong những lần tăng giá, Bộ Tài chính đều thực hiện họp báo, giải đáp đầy đủ các câu hỏi của phóng viên báo chí, rồi thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự cần thiết phải điều chỉnh giá, nguyên tắc điều hành và mức giá điều chỉnh...