Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 8-7, đại diện một số doanh nghiệp đầu mối cho biết, giá bán lẻ mặt hàng xăng và dầu diesel hiện đang thấp hơn giá cơ sở (tính theo giá thế giới bình quân 30 ngày) 600 đồng/lít. Nếu trừ đi mức bù lỗ từ Quỹ bình ổn xăng dầu (300 đồng/lít cho xăng và 200 đồng/lít cho dầu diesel) thì mức chênh lệch vẫn còn lần lượt là 300 đồng và 400 đồng/lít.
Cũng theo doanh nghiệp đầu mối, từ ngày 28-6, thời điểm giá bán lẻ trong nước điều chỉnh đến nay, giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore liên tục tăng.
Cụ thể, giá DO 0,05S ngày 28-6 là hơn 121 đô la Mỹ/thùng; RON92 là 113,8 đô la Mỹ/thùng. Đến ngày 5-7, DO 0,05S chốt phiên ở mức hơn 122 đô la Mỹ/thùng và RON92 là hơn 117 đô la Mỹ/thùng.
Chính vì vậy, tính bình quân 30 ngày, từ 7-6 đến 7-7, RON92 là 115,39 đô la Mỹ/thùng, trong khi DO 0,05S là 120,35 đô la Mỹ/thùng. Còn hôm 28-6, khi cho phép doanh nghiệp đầu mối tăng 320 đồng/lít xăng, 370 đồng/lít dầu diesl, liên bộ Tài chính - Công Thương tính toán, giá bình quân 30 ngày (tính đến 27-6) của xăng RON 92 là 114,50 đô la Mỹ/thùng; dầu diesel 0,05S: 118,84 đô la Mỹ/thùng; dầu hỏa: 116,49 đô la Mỹ/thùng, dầu madut 3,5S: 622,42 đô la Mỹ/tấn.
Đại diện doanh nghiệp đầu mối phía Nam nhận định, với tình hình này, cơ quan nhà nước sẽ sớm có quyết định điều hành trong những ngày tới. Tuy nhiên, sử dụng công cụ nào: giảm thuế, tăng giá hay tăng mức sử dụng quỹ bình ổn thì chưa thể chắc chắn.
Trong một diễn biến khác, hôm 3-7, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan soạn thảo một nghị định mới nhằm thay thế cho Nghị định84/2009/NĐ-CP, không tiếp tục thực hiện sửa đổi, bổ sung như đã được phân công lâu nay.
Trước đó, vào cuối tháng 6, Bộ Công Thương đã trình bản dự thảo lần 4 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 84. Trong đó, đáng chú ý là bộ này chỉ đề xuất một phương án điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu, căn cứ theo mức biến động của giá thế giới, không còn có phương án cơ quan nhà nước xác định giá trần (theo tháng hoặc năm) và doanh nghiệp đầu mối tự quyết tăng giá theo mức này như dự thảo lần 3.
Cụ thể, thời gian giữa hai lần tăng giá liên tiếp tối thiểu và giảm giá liên tiếp tối đa là 10 ngày. Doanh nghiệp đầu mối phải giảm giá bán lẻ khi giá cơ sở giảm dưới 6% so với giá hiện hành. Nếu mức biến động trên 6%, doanh nghiệp tiếp tục giảm giá sau khi cơ quan thẩm quyền áp dụng các biện pháp như tăng thuế, trích quỹ bình ổn.
Trong khi đó, ở tình huống ngược lại, Bộ Công Thương đề xuất, giá cơ sở tăng trong phạm vi 5% là doanh nghiệp đầu mối được chủ động tăng giá. Khi mức biến động của giá thế giới từ 5-8% thì doanh nghiệp đầu mối gửi đăng ký giá tới cơ quan nhà nước trước 2 ngày. Nếu cơ quan nhà nước không phản hồi thì doanh nghiệp được quyền tăng giá theo phương án: mức tăng bằng 40% của phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán cộng với 60% lấy từ quỹ bình ổn giá. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 8%, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn.
Tuy nhiên, dự thảo lần 4 của Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên chi tiết, giá cơ sở được tính theo giá bình quân của số ngày dự trữ lưu thông, 30 ngày như Nghị định 84.
Về vấn đề này, tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối tại TPHCM cho rằng, cách tính giá cơ sở 30 ngày là vô cùng bất hợp lý, khiến giá xăng dầu trong nước không theo sát được diễn biến của giá thế giới bởi cơ sở tính giá là quá dài trong khi giá thế giới biến động liên tục.
Theo ông này, đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều lần, giá trong nước “lạc điệu” với giá thế giới. Gần đây nhất là đợt tăng giá hôm 28-6. Trong khi giá thế giới những ngày đó không tăng thì trong nước lại tăng thêm hơn 300 đồng/lít.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng từng nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tính giá cơ sở theo giá thế giới bình quân trong 30 ngày là quá dài, khiến giá trong nước không theo sát diễn biến giá thế giới. Ông Long cho rằng, nên tính giá cơ sở theo giá bình quân 10 ngày.