Cụ thể bể chứa xăng dầu, quy định yêu cầu không được lắp đặt nổi trên mặt đất; không được lắp đặt bể chứa xăng dầu trong hoặc dưới các gian bán hàng, xung quanh bể chứa phải phủ cát hoặc đất mịn dày hơn 0,3m. Cột bơm xăng dầu phải được đặt tại các vị trí thông thoáng, phải đảm bảo các phương tiện có thể dừng đỗ để hàng dọc theo cột bơm và không làm cản trở các phương tiện giao thông khác ra, vào cửa hàng. Các cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy ở các vị trí dễ thấy, có biển cấm lửa và hiệu lệnh báo cháy... Đường và bãi đỗ xe dành cho xe ra vào mua hàng và nhập hàng phải đảm bảo về chiều rộng cho một làn xe đi trong bãi đỗ xe không nhỏ hơn 3,5m; đường hai làn xe đi không nhỏ hơn 6,5m; bãi đỗ xe để xuất, nhập xăng dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường. Nếu cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với công trình xây dựng khác, bắt buộc phải có tường bao kín, làm bằng vật liệu không cháy có chiều cao tối thiểu 2,2m. Tại khu vực đặt cột bơm xăng dầu nếu có mái che bán hàng thì kết cấu và vật liệu mái che cũng phải có bậc chịu lửa I, II theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Chiều cao của mái che bán hàng từ 4,75m trở lên.
Cây xăng trên đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp gần Bệnh viện 175 có không gian rất chật hẹp
Thành phố Hồ Chí Minh đang có gần 600 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trên 100 cửa hàng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành về an toàn phòng cháy chữa cháy do xây đã khá lâu. Nhiều cây xăng nằm sát khu dân cư, bệnh viện và có không gian rất hẹp, chính vì thế, trong thời gian tới, các chủ kinh doanh phải xây dựng, sửa chữa cây xăng theo đúng yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo an toàn cháy nổ theo quy định đã ban hành để tránh những tai nạn đáng tiếc. Trong năm 2012, tại TPHCM có hai vụ cháy cây xăng làm chết một cháu bé. Qua những tai nạn trên, cần nhắc lại những quy định về an toàn cháy nổ tại các cây xăng đối với khách hàng. Ngày 14-6-2012, Nghị định số 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, theo đó người mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào kho vật liệu nổ hoặc những nơi có quy định cấm sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Mức phạt này cũng sẽ tăng lên 500.000 đồng nếu sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định. Hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng, mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi hàn cắt kim loại nhưng không thực hiện các biện pháp phòng cháy. Hiện nay vẫn còn rất nhiều người đổ xăng, thậm chí cả nhân viên của cây xăng vẫn vô tư nghe điện thoại di động ngay trong khu vực cấm.
Vụ cháy cây xăng ở quận Gò Vấp ngày 21-5-2012
Ảnh: K.T (st)