Bộ Công thương vừa ban hành dự thảo lần 4 về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, từ 3 phương án đưa ra trước đây, cơ quan này đã chọn ra phương án duy nhất để trình lên Chính phủ.
Cụ thể, Bộ đề nghị thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá vẫn giữ nguyên là 10 ngày theo quy định hiện nay (tối thiểu đối với tăng giá và tối đa với giảm giá), thay cho khoảng cách 15 ngày được đề xuất trong bản dự thảo lần trước.
|
Bộ Công Thương chốt phương án điều chỉnh giá xăng dầu. Ảnh: Anh Quân |
Về điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương tán thành phương án sẽ để thương nhân đầu mối tự điều chỉnh nếu giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành. Trường hợp giá cơ sở giảm trên 6%, sau khi áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá..., thương nhân đầu mối được tiếp tục giảm giá bán lẻ. Quy định sẽ không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Ngược lại, khi giá xăng dầu thế giới tăng làm giá cơ sở biến động trong phạm vi 5%, thương nhân đầu mối được quyền chủ động tăng giá bán lẻ.
Trường hợp các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở tăng từ trên 5 đến 8%, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 5% cộng thêm 40% của phần tăng thêm, 60% còn lại sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp. Tuy nhiên, nếu quá 2 ngày làm việc kể từ khi điều chỉnh tăng giá thêm 40% mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý về phần sử dụng quỹ bình ổn, thương nhân đầu mối được điều chỉnh tăng giá xăng dầu bán lẻ tương đương giá cơ sở.
Đây là điểm thay đổi đáng kể của bản dự thảo lần này so với những văn bản trước đây. Ở dự thảo lần 3 phát đi giữa tháng 5, Bộ Công Thương đưa ra quãng biến động giá là 5 - 10%, ở đó thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 5% và được cộng tới 60% của phần tăng thêm, 40% còn lại sử dụng quỹ bình ổn. Còn theo quy định hiện hành, giới hạn cho lần điều chỉnh là khi giá cơ sở tăng từ 7 đến 12% so với giá bán lẻ hiện hành.
Trường hợp giá cơ sở tăng trên 8% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải báo cáo cơ quan quản lý và trong 5 ngày làm việc sẽ có biện pháp bình ổn nhằm bảo đảm giá bán xăng dầu tương đương giá cơ sở, không ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nếu sau 5 ngày mà không nhận được văn bản điều hành, thương nhân đầu mối được chủ động tăng giá với mức tương đương giá cơ sở.
Trước đó, dự thảo lần 3 còn đưa thêm hai phương án cho việc điều chỉnh giá nhưng đã bị Bộ Công Thương rút lại trong bản dự thảo lần này. Đó là phương án sẽ cố định mức giá cơ sở của tháng trước sử dụng làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo hoặc công bố mức trần giá bán lẻ xăng dầu cho cả năm tại ngày làm việc đầu tiên của năm để doanh nghiệp căn cứ vào đó tiến hành điều chỉnh.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, từ nay tới 30/6, Bộ Công Thương sẽ phải trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84.