Khoảng 16 giờ ngày 19-5, trên đường chở sắt từ TP.HCM lên TP Đà Lạt, chúng tôi dừng đổ dầu ở cây xăng Huyền Hậu (huyện Thống Nhất, Đồng Nai).
“Đại lý” cho Trạm Phú Túc
Tại đây, khi được hỏi về chung chi trên QL 20 một nhân viên cây xăng Huyền Hậu trả lời: “Không, chỉ chung được mỗi Trạm Phú Túc thôi”. Chúng tôi hỏi: “Phú Túc thì bao nhiêu”? Cô nhân viên chỉ vào chiếc xe của chúng tôi (loại năm tấn) nói: “Như xe của anh thì một triệu rưỡi, còn xe ba chân thì 2 triệu đồng”. Cô nhân viên khoe: “Tháng vừa rồi chúng em nhận được mười mấy xe”.
Để chứng minh cho uy lực trong việc “mua đường”, cô nhân viên còn giảng giải cho chúng tôi: “Thì đưa cho em, rồi em ghi biển số xe của anh vào, tháng nào biết tháng ấy; anh cho số điện thoại ở đây rồi sếp gọi lên công an, ý là bọn em chỉ nhận tiền của các anh thôi”.
Trước đó, tháng 10-2012, trong quá trình thực hiện tuyến bài “Nhức nhối nạn đóng hụi chết cho CSGT trên QL 20”, chúng tôi cũng ghé lại cây xăng này và được một người đàn ông tên Quân cho biết: “Anh cứ ghé đổ dầu ở đây, còn việc chung tháng thì cứ để đầu tháng em chung cho”. Cũng theo Quân, giá chung tháng cho Trạm Phú Túc là 1,5 triệu đồng. Quân cho số điện thoại 0933495018 và hẹn, khi nào cần chung tháng cứ lên đây đổ dầu rồi gọi cho Quân. Trước đó, cũng tại trạm dừng chân này, chúng tôi tiếp cận một người đàn ông lớn tuổi xưng tên Đảo. Khi chúng tôi hỏi về việc chung tháng, ông Đảo cho hay cứ ghé đổ dầu đi, phải xe quen thì mới được chứ xe lạ cũng ngại lắm.
Cây xăng Thanh Sơn 1 và hóa đơn của cây xăng ghi rõ số tiền chung chi một chuyến qua trạm cân là 500.000 đồng.
Vừa “mua” CSGT, vừa “mua” trạm cân
Ngày 20-5, trên đường chở gần 20 tấn rau từ TP Đà Lạt về chợ đầu mối Thủ Đức, chiếc xe tải năm tấn của anh Bằng ghé lại cây xăng Thanh Sơn 1, tại ấp Thanh Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đổ dầu và nhờ chung chuyến để vượt qua việc kiểm tra tải trọng ở Trạm cân Dầu Giây.
Anh Bằng cho biết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cây xăng Thanh Sơn 1 được xem là ‘vô đối” về khách hàng vì ngoài việc nhận chung tháng để “mua đường” cho xe quá tải, cây xăng này còn tổ chức hẳn một đội ngũ chuyên “xử lý nóng” biên bản vi phạm cho cánh tài xế. Cũng theo Bằng, việc nhận tiền chung tháng cho CSGT hoặc nhận tiền xử lý biên bản ở cây xăng này diễn ra công khai, bất cứ lúc nào thấy xe tải đông, PV cứ vô quầy ngồi là có thể ghi hình việc nhận tiền “mua đường” một cách dễ dàng.
Khi đến đây, cây xăng này đã đông nghẹt xe tải xếp hàng chờ chung tháng. Vừa ngồi xuống bàn ghi hóa đơn, một nhân viên nữ của cây xăng đã lớn tiếng hỏi: “Anh chung gì?”. Như đã rất quen thuộc, Bằng nói: “Gọi điện chung giùm anh cân chuyến này em, xe quá tải còn tiền dầu mai anh ghé anh gửi”.
Ngay lập tức, cô nhân viên gọi điện thoại cho một người đàn ông tên Giang thông báo: “Chú Giang ơi chung cân cho xe 51C-1... bao nhiêu vậy chú?”. Sau cuộc gọi chớp nhoáng, cô nhân viên cho biết: “Xong rồi, nói xong rồi đó, chú kêu lấy 500 thôi”.
Nhân viên cây xăng Thanh Sơn 1 đang gọi điện thoại thông báo cho “chú Giang” và đếm tiền chung cân qua Trạm cân Dầu Giây, Đồng Nai.
Như một thói quen, khi tài xế chưa kịp gửi tiền, cô nhân viên hỏi luôn: “Có ghi biên lai tiền cân không anh”. Anh Bằng cho biết: “Có chứ, không thôi anh lấy tiền đâu anh bù cho chủ xe!”.
Cuộc ngã giá, thỏa thuận thành công rất công khai trước mặt rất nhiều người, cả nhân viên cây dầu và tài xế xe khác, thậm chí cả khi có những người lạ. Tài xế vào đây ngoài mục đích đổ dầu cho xe, mục đích chính là bỏ ra 500.000 đồng để vượt qua việc kiểm tra tải trọng chiếc xe tải (chắc chắn quá tải) ở Trạm cân Dầu Giây. Hoàn tất thủ tục, nhân viên cây xăng không quên tặng chúng tôi hai chai nước suối, khăn lạnh. Bên ngoài hàng chục chiếc xe tải khác vẫn đang đổ dầu, trong số đó có nhiều xe đến đây với mục đích nộp tiền “mua đường” cho cây xăng này.
Một tài xế cho biết: “Những ngày có chị Q. (cán bộ Trạm cân Dầu Giây, thuộc Khu Quản lý Đường bộ 7 - PV) trực thì chung trực tiếp cho chị. Còn ngày nào chị ấy không trực thì mua đường qua cây xăng!”.
Đối phó
Những ngày qua, ngay sau khi báo Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài, nhiều chủ cây xăng đã gọi điện thoại cho các lái xe để xin lại những hóa đơn tiền xăng dầu có ghi số tiền chung chi mãi lộ. Một số chủ cây xăng khác hứa hẹn trả lại tiền vì sau khi báo đăng, CSGT không còn nhận tiền chung tháng nữa.
Trước khi báo đăng, cách khoảng 2 km ở cả hai đầu Trạm cân Dầu Giây, đám “cò” mãi lộ hoạt động khá rầm rộ. Dù Phòng CSGT Đồng Nai và chỉ huy tổ CSGT tại đây đã kết hợp Công an thị trấn Trảng Bom đã từng tổ chức đẩy đuổi nhưng vẫn tồn tại. Những ngày vừa qua, đám cò này đã thôi không hoạt động vì theo họ, nhân viên trạm cân không còn nhận bao xe vượt tải qua trạm. Tuy nhiên, như nhiều lần phản ánh, các dấu hiệu tiêu cực thường chỉ lắng đi một thời gian rồi sẽ xuất hiện trở lại, lần này có khả năng cũng thế.
Tháng nào biết tháng nấy
(Cuộc đối thoại giữa tài xế và nhân viên cây xăng Huyền Hậu)
. Nếu mình chung thì chung cho ai chị?
+ Thì đưa cho em, rồi em ghi biển số xe của anh vào, tháng nào biết tháng ấy.
. Lỡ gặp công an rồi sao?
+ Thì gọi số điện thoại ở đây này rồi sếp gọi lên công an, ý là bọn em chỉ nhận tiền của các anh thôi, thằng ấy nó viết ra một tờ giấy mà, một tháng thằng ấy giữ luôn tờ đó mà, tờ số xe mà. Đâu phải người ta lấy tiền xong người ta vứt tờ ấy đi đâu mà.
. Lấy biên bản thì sao chị?
+ Tức là mình bị biên bản thì có gì nhờ em lấy biên bản, lấy thì em lấy ở Biên Hòa. Chấp nhận là bọn em ghi ra một tờ giấy là xe này tháng 6 chung tháng 1 triệu rưỡi là bao nhiêu xe đó là bấy nhiêu tiền.
. Mình gửi cho ai?
+ Gửi cho bọn em, bọn em gửi cho những người đi chung, xong rồi những người giữ tiền người ta phải giữ hết những tờ giấy đó hết tháng mà, khi hết tháng thì nó vứt tờ giấy đó đi.
|