Phú - một tài xế xe tải cho biết: Tất cả cây xăng đều nhận tiền chung chi vào đầu mỗi tháng. Thắc mắc vì sao phải chung đầu tháng mà không phải là bất kỳ ngày nào rồi tính đến ngày đó tháng sau, Phú lý giải: “Phải chung đầu tháng thì mới được tính đủ một tháng chứ chung cuối tháng thì chỉ tính được mấy ngày còn lại của tháng đó thôi, cây xăng cũng ăn nghiệt lắm”.
Nộp "sưu" cho Trạm Madagui: Phải đúng ngày
Để kiểm chứng lời Phú, ngày 22-5, PV theo một xe tải chở bông từ TP Đà Lạt xuống TP.HCM ghé cây xăng Thiên Phát Đạt, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú. Sau khi đổ xăng, tài xế tên Hùng hỏi một nhân viên tên Nhi: “Anh tính hỏi chuyện gửi mấy cái xe cho công an ở Madagui đó, xe mình thì gửi như thế nào em?”. Như rà đúng sóng, Nhi nhanh nhẹn: “Chung tháng đó anh”. Nhi cho biết: “Riêng Trạm Madagui thì 1 triệu đồng/tháng”.
Khi anh Hùng bày tỏ ý định gửi tiền luôn thì Nhi nói: “Đầu hoặc cuối tháng em mới đi đóng cho công an, người ta chỉ nhận đúng một ngày, anh có trễ thì em cũng không nhận. Bây giờ anh muốn thì gửi tiền ở đây cho em cũng được, ngày 30 là em gửi số xe với tiền lên cho người ta”.
Thấy tài xế chần chừ, Nhi nói tiếp: “Ngày 30 em mới mang tiền đi nộp nhưng mà anh phải đưa trước cho em để em đưa tiền với số xe lên liền cho sếp chứ quá ngày thì em cũng thua vì Madagui nó chỉ nhận đúng một ngày thôi”. Sau một hồi suy nghĩ, anh Hùng than thở: “Thôi vậy thì cho anh chung tháng này cho Trạm Madagui chứ hôm qua lên bị đập một cái biên bản này”. Tỏ vẻ cảm thông với tài xế, Nhi nói: “Nó ép mình phải chung mà, nó làm ghê lắm. Ai không chung nó đập ghê lắm, hôm nay ngày 22-5, đây nè, danh sách chung Madagui nè anh”.
Sau khi hỏi số xe, số điện thoại của tài xế, Nhi nhập vào một cuốn sổ ghi kín số xe, số điện thoại, tên tài xế...
Sau khi viết xong thông tin chiếc xe vừa chung tháng, Nhi bảo anh Hùng ký vào danh sách xe chung tháng. Hoàn tất, Nhi trao cho anh Hùng một cuốn sổ và xởi lởi: “Đây là sổ tháng 6, em làm cho anh cuốn sổ, em ghi tắt thôi nha… thế này được chưa?”.
Cây xăng Thiên Phát Đạt.
Nhi (nhân viên cây xăng Thiên Phát Đạt) đang xem sổ ghi chung tiền tháng 5-2013.
Nhi đang nhận tiền chung cho Trạm CSGT Madagui.
CSGT đi tuần mang theo… sổ chung chi?
Cũng theo Nhi: “Anh đưa đây em ghi số điện thoại cho, công an mà thấy là nó không bắt vì em làm ăn lâu rồi mà. Nếu mà chung là nó có barem danh sách số xe, công an sẽ kẹp vào cuốn sổ đi làm, khi thổi lại, nhìn quen là mai sẽ không thổi nữa”.
Hoàn tất công việc, Nhi giao cho tài xế một cuốn sổ “mua hàng có thưởng” và ghi số điện thoại 0903 787.777 của một ông chủ tên Cường và dặn: “Nếu có chuyện gì trên đường thì gọi cho sếp em”. Trước khi rời cây xăng Thiên Phát Đạt, anh Hùng không quên nói lời cảm ơn: “Cây xăng của em làm ăn chuyên nghiệp quá”.
Rời cây xăng Thiên Phát Đạt, chúng tôi gọi điện thoại báo cho Phú biết rằng chiếc xe của anh Hùng vừa chung tháng cho cây xăng. Phú quả quyết chung như vậy là trật rồi vì số tiền đó chỉ tính vào tháng 5, còn tháng 6 phải chung đầu tháng mới được.
Để kiểm chứng lời Phú, ngày 27-5, chúng tôi lấy số điện thoại 0903 787.777 ghi trên cuốn sổ mua hàng gọi cho Cường, giả vờ thông báo bị một CSGT Trạm Madagui dừng xe. Khi chúng tôi nói: “Anh Cường ơi, anh N. (một CSGT Trạm Madagui) đang giữ chiếc xe của em, anh Cường gọi điện thoại cho anh N. giúp em được không?”. Đầu dây bên kia, một người đàn ông nói ngay: “Bảo ông ấy coi sổ lại đi, cứ để ông ấy từ từ coi”. Chúng tôi tỏ vẻ lo lắng: “Anh gọi điện thoại nói anh N. giúp em được không anh Cường chứ để ảnh lập biên bản tội nghiệp em” thì Cường xác nhận: “Ừ ừ, để anh gọi cho”.
Hơn 10 phút sau, Cường chủ động gọi cho chúng tôi nói: “Anh N. cho xe đi chưa?”.
Chúng tôi cho biết xe đã đi và hỏi anh nếu sau này lỡ anh ấy có thổi lại bắt bẻ thì mình nói cho cây xăng Thiên Phát Đạt được không thì Cường cho biết: “Mày nói là em có trong cuốn sổ của anh rồi, anh coi lại coi có chưa”. Cường bắt bẻ tiếp: “Mà xe của ông đó, tôi coi lại rồi, ông mới đóng tháng 6 chứ chưa đóng tháng 5, sao xe của ông đóng tiền ngày 22 mà ông lại chạy?”. Khi chúng tôi chưa kịp phản ứng, Cường nói tiếp: “Vậy là hôm bữa gửi tính vô tháng 5 đi, người ta không có tính ngày đâu, người ta tính tháng đấy. Đóng qua tháng 6 nhưng mà nãy điện thoại cho nó, nó lèng èng nói tháng 5 chưa đóng mà sao kêu đóng. Tôi kêu chưa, tháng này nó đóng qua tháng 6, nó mới chạy được có mấy chuyến à. Ông đóng vào ngày 30 chứ đóng sớm nó tính vô tháng trước đó. Trước mùng 1 á, nó thổi lại là nó sẽ hỏi ông đóng chưa, nếu chưa đóng thì tôi đóng cho” - nói xong Cường cúp máy.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Kỳ sau: “Mua chuyến” qua Trạm cân Dầu Giây
“Những ngày có chị Q. (cán bộ Trạm cân Dầu Giây) trực thì chung trực tiếp cho chị. Còn ngày nào chị ấy không trực thì “mua đường” qua cây xăng” - cánh tài xế cho biết.