Trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị minh bạch, công khai Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có văn bản báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng quỹ này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo Nghị định 84 ban hành ngày 15/10/2009 và Thông tư 234 ngày 9/12/2009 hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong đó, quỹ bình ổn giá được trích cố định trong giá cơ sở là 300 đồng một lít xăng, dầu thực tế tiêu thụ. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập quỹ.
|
Bộ Tài chính giải trình về quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ảnh: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ bình ổn giá mà chỉ khi giá thế giới tăng khiến giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ phải kiềm chế mức tăng hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính nhấn mạnh. Mức sử dụng quỹ bình ổn cũng không giống nhau giữa các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành.
Quỹ bình ổn giá được hạch toán vào tài khoản riêng, để tại doanh nghiệp và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá. Định kỳ hàng quý hoặc theo yêu cầu đột xuất, các doanh nghiệp sẽ báo cáo kết quả trích và sử dụng quỹ cho Bộ Tài chính.
Đánh giá hiệu quả của quỹ, Bộ Tài chính cho hay việc trích quỹ là nhằm mục tiêu bình ổn giá, kiểm soát lạm phát. "Từ năm 2010 đến nay, nếu không có quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn", cơ quan này nhận định.
Báo cáo gửi tới đại biểu dẫn chứng, nếu không sử dụng quỹ thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, có thể tăng tới 2.000 đồng một lít xăng tại ngày 26/2/2013.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện kiểm toán quỹ bình ổn giá với nhận xét "việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước".
Đầu tháng 5, sau nhiều ý kiến về tính minh bạch của quỹ bình ổn giá xăng dầu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Bộ Tài chính định kỳ hàng quý phải công khai tình hình trích lập, quản lý, sử dụng và tồn quỹ bình ổn giá xăng dầu trên trang thông tin điện tử của Bộ. Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết đang sửa đổi Nghị định 84 để trình Chính phủ trước 30/6, trong đó có nội dung quỹ bình ổn giá.