Sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu: Quy định hay 'đánh đố'?
28/05/2013 8:26:00 SATin trong nước

Dù vẫn đang trong thời kỳ “thai nghén” nhưng bản dự thảo sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương chắp bút đã “vấp” phải sự phản đối của cộng đồng DN.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đánh giá toàn diện việc thi hành Nghị định 84, xác định rõ các mặt được và hạn chế, bất cập trong nội dung của Nghị định cũng như trong điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và trình Chính phủ trước 30-6-2013.

 

Không khả thi

Một số DN cho rằng, quy định trong Nghị định 84 đang “đánh đố” DN, “rất khó thực hiện nếu không nói là không thể thực hiện được”. Dẫn chứng cho điều này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết, quy định tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000m³ là chưa sát với tình hình thực tế.

Bởi để có một kho chứa xăng như vậy, kinh phí đầu tư không dưới 30 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án xây dựng kho chứa này cũng phải mất tới 3 năm. Do đó, nhà đầu tư chỉ có cách hợp thức hóa điều kiện này bằng hợp đồng thuê với thương nhân đầu mối. Thương nhân đầu mối vì muốn phát triển thị phần của mình nên luôn sẵn sàng ký kết hợp đồng thuê mướn kho bãi cho tổng đại lý. Điều đó cho thấy, quy định này chỉ mang tính hình thức.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tự Lực I khẳng định, Nghị định 84 quy định “Tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000m³” thì đến nay, chưa thực hiện được việc này.

Còn dự thảo Nghị định 84 (sửa đổi) quy định mới “Tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000m³” cũng không khả thi. “Đầu tư kho như vậy phải mất khoảng 2 ha đất, chưa kể đến khoản tiền mua xăng dầu dự trữ 2.000m³ (khoảng 50 tỷ đồng). Đây là số tiền không nhỏ đối với DN, đặc biệt là DN tư nhân”, ông Tiu nói.

DN được tăng giá trong phạm vi 3%

Một vấn đề được các DN đặc biệt quan tâm trong dự thảo sửa đổi lần này là đề xuất ba phương án về điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu khi thị trường thế giới biến động. Phương án 1, khi các yếu tố hình thành giá làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân được tăng giá trong thời gian tối thiểu là 15 ngày. Nếu giá cơ sở giảm trong phạm vi 6%, tối đa 15 ngày sẽ phải giảm giá. Nếu giá giảm trên 6%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế, quỹ bình ổn..., thương nhân đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần. Phương án 2, lấy giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo.

Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn khác) tính bình quân 30 ngày. Phương án 3, Bộ Công Thương đề xuất mức trần giá bán lẻ cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. DN đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Định kỳ hàng quý, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định. Trong khi Bộ Công Thương nghiêng về phương án 3 thì hầu hết các DN lại “ưu tiên” cho phương án 1.

Tuy nhiên, DN còn rất nhiều băn khoăn đối với phương án này. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, DN chỉ nên được phép tự điều chỉnh trong phạm vi tối đa 3% thay vì 5% như dự thảo. “5% tương đương với 1.000 đồng là con số tương đối lớn. Tôi cho rằng, DN chỉ nên được điều chỉnh trong phạm vi từ 400-600 đồng/lít là hợp lý, bởi với mức này, người tiêu dùng có thể chấp nhận được”, ông Bảo cho hay.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp Nguyễn Thế Dũng cho biết, mỗi lần có biến động, giá chỉ tăng trong khoảng 3%, tương đương tăng 400- 600 đồng/lít sẽ tránh được tình trạng đầu cơ, găm hàng và người dân cũng sẽ dễ chấp nhận hơn.

Ngoài ra, đại diện một số DN cho rằng, bất cập liên quan đến biên độ thời gian DN được phép điều chỉnh giá 15 ngày là quá dài, dễ khiến DN lỗ nặng bởi giá thị trường diễn biến rất nhanh. Đã có thời điểm, giá cơ sở xăng dầu cao hơn giá bán lẻ 6.000 đồng/lít. Việc điều hành giá không theo thực tế thị trường đã khiến tình trạng khi giá thế giới tăng thì giá trong nước không tăng, đến khi giá giảm thì giá trong nước lại tăng mạnh. Do vậy, biên độ điều chỉnh giá 10 ngày là phù hợp, thậm chí có thể giảm xuống 5-7 ngày.

Ổn định thuế NK?

Theo ông Phan Thế Ruệ, thời gian qua, việc điều chỉnh thuế hầu như chỉ tập trung cho mục tiêu bình ổn giá nên mục tiêu thu ngân sách trở thành thứ yếu. Mặt khác, giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, phải điều chỉnh thuế NK liên tục (năm 2010 tăng thuế NK 4 lần; năm 2011 tăng thuế 3 lần, năm 2012 tăng đến 7 lần) gây khó khăn cho việc giám sát giá cơ sở của người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Do vậy, VINPA đưa ra quan điểm, phải ổn định thuế NK trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/năm, sản lượng nhập trong năm và khung thuế suất hợp lý.

Việc ổn định thuế có nhiều cái lợi: Ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; thuận tiện cho quyết định giá bán của thương nhân đầu mối; ngăn chặn được những hành vi trục lợi trong tạm nhập - tái xuất xăng dầu cũng như đầu cơ kiếm lời mỗi lần tăng thuế NK.

Trước nhiều luồng ý kiến trên, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Ban soạn thảo cho biết, Ban soạn thảo sẽ lắng nghe để tiếp thu các ý kiến. Việc cố định thuế sẽ giúp tiên lượng và ổn định được nguồn thu ngân sách theo từng năm, đồng thời DN cũng chủ động trong việc nhập hàng cũng như định giá bán khi giá thế giới lên xuống.

Tuy nhiên, với cơ quan quản lý nhà nước, ngoài chức năng đảm bảo ngân sách, thuế còn có nhiệm vụ như “cái van” để điều tiết thị trường, phải sử dụng đúng, đủ và hợp lý. Cho nên, thuế NK cố định cũng chưa hẳn là phương án tối ưu. Ban soạn thảo phải tìm cách điều chỉnh các khoản thuế sao cho dung hòa được lợi ích, quyền lợi, nguyện vọng của DN với những chức năng nhiệm vụ của Nhà nước trong ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: Nếu không thực hiện sẽ tiếp tục phải sửa

Lẽ ra các quy định, nghị định liên quan đến các tổ chức, ngành nghề phải được xây dựng bởi các hiệp hội. Nhưng ở nước ta, các quy định, cơ chế thường do cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng. Đáng ngạc nhiên, nghị định của cơ quan quản lý đưa ra “tròn trịa” tới mức khi ban hành thì “DN không thực hiện nổi”, vì không biết thực hiện kiểu gì. Tôi thấy môi trường pháp lý cho kinh doanh xăng dầu đang thực hiện chỗ nào cũng đúng cả, câu này bao trùm câu kia. Chủ trương điều hành xăng dầu là tiệm cận thị trường nhưng 10 năm nay vẫn chưa thực hiện được. Bình quân 3 năm chúng ta điều chỉnh, sửa đổi quyết định, nghị định một lần để hoàn thiện các cơ sở pháp lý về kinh doanh xăng dầu. Nhưng theo tôi, cần đánh giá hết sức nghiêm túc. Nếu sửa đổi mà không thực hiện đầy đủ thì có thể lại tiếp tục phải sửa đổi.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent