Doanh nghiệp muốn tự điều chỉnh khi giá thay đổi 3%
20/05/2013 8:22:00 SATin trong nước

Góp ý sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3%, doanh nghiệp được tự điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng thay vì 5% như đề xuất của Bộ Công Thương.

Chu kỳ 15 ngày để tránh tăng giá sốc

Theo đánh giá của Hiệp hội xăng dầu, trong thời gian qua việc điều hành giá xăng dầu chưa đi đúng theo khuôn khổ Nghị định 84. Doanh nghiệp không được thực hiện đầy đủ thẩm quyền quyết định giá. Trên thực tế, doanh nghiệp chỉ được quyết định 4 lần theo cơ chế hậu kiểm, 5 lần theo phương thức đăng ký giá và chờ phê duyệt. Từ 9-8-2010 đến nay giá bán trong nước do Bộ Tài chính quyết định.

Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 của Bộ Công Thương đề xuất, khi các yếu tố cấu thành giá biến động trong khoảng 5%, doanh nghiệp xăng dầu được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kiến nghị, nên cho doanh nghiệp điều chỉnh giá khi biến động ở mức 3%.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng: “Doanh nghiệp chỉ nên được phép tự điều chỉnh trong phạm vi tối đa 3% thay vì 5% như dự thảo của Bộ Công Thương. 5% tương đương với cả nghìn đồng, đây là con số tương đối lớn so với giá bán lẻ xăng dầu. Mức tăng mỗi lần chỉ nên từ 500-600 đồng mỗi lít là hợp lý, bởi với mức này, người tiêu dùng có thể chấp nhận được”.

Còn về chu kỳ điều chỉnh giá, Bộ Công Thương đề xuất khi các yếu tố hình thành giá làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, doanh nghiệp đầu mối giữ khoảng cách tối thiểu là 15 ngày sẽ được tăng giá. Nếu giá giảm trong phạm vi 6%, tối đa 15 ngày sẽ phải giảm giá. Nếu giá giảm trên 6%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế, quỹ bình ổn... thì doanh nghiệp đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa đồng tình với phương án trên, một số doanh nghiệp đề xuất nên điều chỉnh giá theo chu kỳ 10 ngày. Ông Nguyễn Thế Dũng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp cho rằng: “Có những thời điểm, giá xăng dầu có thể dao động tới 4-5 USD mỗi thùng. Bởi vậy, quy định khoảng cách điều chỉnh giá 15 ngày có thể tạo áp lực không nhỏ với các doanh nghiệp. Nếu giá thế giới liên tục tăng thì doanh nghiệp có thể lỗ cả nghìn đồng mỗi lít. Nên để khoảng cách 10 ngày để doanh nghiệp có thể xoay xở được”.

Nên cố định thuế nhập khẩu

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho rằng, việc không thực hiện ổn định thuế nhập khẩu và sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ thường xuyên để điều chỉnh giá bản lẻ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước không vận hành theo giá thị trường và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi tăng thì tăng cao, tăng nhanh nhưng khi giảm thì giảm nhỏ giọt khiến dư luận bức xúc. 

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu đề xuất: “Nên sửa đổi bổ sung Điều 25 theo hướng ổn định thuế nhập khẩu trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/năm, sản lượng nhập trong năm và khung thuế suất hợp lý. Ổn định thuế nhập khẩu trong năm với mức thuế suất thấp hơn 40% so với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO”. “Thời gian qua việc điều chỉnh thuế hầu như chỉ tập trung cho mục tiêu bình ổn giá nên việc thu ngân sách trở thành thứ yếu. Mặt khác giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, phải điều chỉnh thuế nhập khẩu liên tục gây khó khăn cho việc giám sát giá cơ sở của người tiêu dùng và các cơ quan quản lý chức năng”, ông Phan Thế Ruệ phân tích. 

Các chuyên gia từ phía Hiệp hội cũng cho rằng khi ổn định thuế nhập khẩu, sẽ thuận tiện cho tính giá cơ sở, thuận tiện cho quyết định giá bán của thương nhân đầu mối, ngăn chặn được hành vi trục lợi trong tạm nhập tái xuất xăng dầu, cũng như kiếm lời mỗi lần tăng thuế nhập khẩu. Đại diện Công ty Hóa dầu Quân đội cho rằng, việc ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu trong thời gian 6 tháng đến 1 năm là hợp lý. 

Buộc doanh nghiệp tạo quỹ

Đánh giá về việc thành lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, ông Võ Văn Quyền cho rằng, ngoài những mặt tích cực cũng có sự bất cập. Cụ thể, việc trích lập quỹ thông qua giá bản lẻ là thiếu hợp lý, chưa làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng quỹ. Ngoài ra việc lạm dụng quỹ để điều tiết giá bán lẻ, gây ra những cú sốc không cần thiết. 

Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo đề xuất: “Không nên gọi là quỹ bình ổn mà nên gọi là quỹ dự phòng dao động lớn. Trong tư tưởng từ khi được đề xuất thành lập thì đó là quỹ của doanh nghiệp. Đó là quỹ của doanh nghiệp nên bắt buộc doanh nghiệp phải hình thành và vận hành theo đúng công thức”.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent