Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi thị trường xăng dầu còn khiếm khuyết về cạnh tranh thì Nhà nước nên can thiệp bằng cách định giá trần, ít ra là tạo khung để doanh nghiệp (DN) không dễ dàng “vượt rào”.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Sơn (ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), một chuyên gia về cạnh tranh, xung quanh vấn đề này.
. Quan điểm của ông về phương án lập giá trần cho xăng dầu như thế nào?
+ TS Nguyễn Ngọc Sơn: Rõ ràng khi thị trường khiếm khuyết về cạnh tranh thì phải có nhiều giải pháp để khống chế khả năng DN “lũng đoạn” về giá. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần phân tích kỹ. Nếu áp dụng giá trần như cách dự thảo đưa ra: Cộng trung bình giá cơ sở cả năm và tính bù thêm trượt giá bằng CPI tức là chúng ta đi ước lượng mức giá quá khứ để định giá cho tương lai. Dù có cộng thêm trượt giá thì đây chỉ là mức giá giả định và cách quản lý theo thói quen. Thứ hai, định giá trần cũng giống như Nhà nước dựng một mái nhà cho người tiêu dùng và DN vào đó giao dịch. Thế nhưng Nhà nước lại quên tính trường hợp nếu giá cơ sở xăng dầu giảm mà DN nhất định không giảm giá, cứ giữ nguyên giá trần thì sao?
Tôi cho rằng phương án giá trần tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đó là lỗ hổng pháp lý, tức là cơ quan quản lý chỉ mới tư duy DN “bóc lột” người tiêu dùng bằng cách tăng giá mà không hề nghĩ đến phương án DN vẫn có thể “bóc lột” bằng cách duy trì giá bán, nếu giá gốc giảm.
Điều này, ngay cả trong Nghị định 116/2005 hướng dẫn thực hiện Luật Cạnh tranh cũng chưa quy định rõ và cần phải sửa đổi.
. Vậy đâu là giải pháp tốt nhất cho ngành xăng dầu lúc này?
+ Vì sao nước ngoài họ tăng giá xăng nhưng người dân vẫn chấp nhận? Họ cũng có DN lớn thống lĩnh, DN nhỏ thua lỗ phá sản. Vì giá được điều chỉnh hằng ngày, có khi cuối tuần giá tăng vọt nhưng vài ngày sau lại giảm mạnh. Đó hoàn toàn là thị trường.
Trong lúc khung pháp lý chưa đủ mạnh để kiểm soát thị trường thì tôi đồng tình với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam là tạm chấp nhận phương án 1. Tức là thay vì biên độ tăng/giảm giá cách nhau 10 ngày thì chuyển thành 15 ngày. Nhưng với điều kiện Nhà nước có một lộ trình nghiên cứu thay đổi cơ chế hợp với quản lý hiện đại chứ tôi không nói phương án một là tối ưu.
Nếu chọn phương án này, Nhà nước phải có chế tài nếu DN không chịu giảm giá khi giá cơ sở giảm; tiến tới để Luật Cạnh tranh tham gia xử lý mạnh nếu DN thống lĩnh thị trường có yếu tố “lũng đoạn” giá...
. Nhưng thưa ông, thời gian qua có vẻ chúng ta thờ ơ với Luật Cạnh tranh? Hiếm hoi mới có một DN bị xử phạt khi lạm dụng độc quyền.
+ Có thể là do cơ chế thực thi chưa đủ mạnh. Bài toán thị trường xăng dầu không phức tạp, dưới góc độ pháp lý nó vẫn là một thị trường và có thể kiểm soát bằng Luật Cạnh tranh.
Khi Luật Cạnh tranh ra đời, nhiều người băn khoăn tại sao Cục Quản lý Cạnh tranh lại thuộc Bộ Công Thương, vốn đang “nắm” rất nhiều DN nhà nước. Liệu Bộ có dám “xử” DN nhà nước nào dưới quyền lạm dụng độc quyền không?
Thực tế, Luật Cạnh tranh từng xử lý một DN nhà nước lạm dụng độc quyền là Vinapco, mức xử phạt là 3 tỉ đồng. Như vậy, chúng ta vẫn có thể hy vọng vào Luật Cạnh tranh, vấn đề là cơ quan quản lý có mạnh tay thực thi pháp luật hay không thôi. Nếu cơ quan quản lý chưa mạnh tay thì bất cứ phương tiện quản lý hành chính nào cũng trở thành vô nghĩa.
. Xin cảm ơn ông.