Nhiều bất cập
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sau 3 năm đi vào cuộc sống, Nghị định 84 cũng bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với tình hình thị trường xăng dầu trong nước. Biểu hiện rõ nhất là ngày càng có nhiều luồng dư luận, quan điểm phản ứng trái chiều đối với cách quản lý và điều hành thị trường. Đơn cử như việc quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý, không làm rõ các nguyên tắc quản lý quỹ và việc sử dụng quỹ không minh bạch, không đúng thời điểm, quá lạm dụng Quỹ Bình ổn để điều tiết giá bán lẻ, gây ra những cú sốc không cần thiết.
Hiệp hội cũng chỉ ra rằng, trên thực tế việc không thực hiện ổn định thuế nhập khẩu như quy định tại Điều 25 của Nghị định 84 và sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ thường xuyên điều chỉnh giá bán lẻ, làm giá bán lẻ xăng dầu trong nước không vận hành theo giá thị trường và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi tăng thì tăng cao, tăng nhanh nhưng khi giảm thì giảm nhỏ giọt khiến dư luận bức xúc.
Hay như, việc quy định mỗi tổng đại lý hoặc đại lý chỉ được phép ký kết hợp đồng cung ứng với một thương nhân đầu mối hoặc một Tổng đại lý là chưa hợp lý. Về bản chất, hợp đồng Tổng đại lý hoặc đại lý là mua đứt bán đoạn mà ở đố Tổng đại lý hoặc đại lý phải chịu nhiều rủi ro trong kinh doanh. Hơn nữa, toàn bộ chi phí xây dựng cửa hàng xăng dầu đều do Tổng đại lý hoặc đại lý đảm nhận mà không có dự hỗ trợ nào của thương nhân đầu mối. Vì thế, việc quy định như trong nghị định thiếu sự công bằng.
|
Hội thảo sửa đổi, bổ sung nghị đình 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức. |
Thừa nhận NĐ 84 còn nhiều bất cập, đặc biệt trong những thời điểm thị trường xăng dầu thế giới biến động, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương, cho rằng: Các quy định trong Nghị định 84 của Chính phủ mới tạo ra cạnh tranh về mặt lượng chứ chưa có chiều sâu về chất. Thị trường kinh doanh xăng dầu vẫn đang thiếu các doanh nghiệp đủ lớn để trở thành giường cột cho khối DN xăng dầu. Quỹ bình ổn giúp thị trường bớt chao đảo tuy nhiên chúng ta chưa làm rõ cách trích lập, thời điểm sử dụng, mức hạn sử dụng… Chính những điều này đôi lúc làm cho người ngoài bức xúc, người trong khóc thầm”.
Nghị định mới có gì mới?
Đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ 84 về kinh doanh xăng dầu, ông Võ Văn Quyền cho biết: “Dự thảo Nghị định sẽ sửa đổi 22/35 điều và bổ sung 2 điều so với nghị định trước đây. Trong đó, bổ sung những điều kiện mới để chọn ra nhà kinh doanh tốt hơn, tạo ra khả năng cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Dự thảo cũng có những quy định để siết lại hệ thống quản lý, theo hướng giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước bằng việc giao quyền quản lý giám sát cho các địa phương. Công khai minh bạch về cách tính giá, các sử dụng và trích lập quỹ bình ổn giá…”
Ngoài ra, ự thảo đưa ra ba phương án về điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu khi thị trường thế giới biến động. Cụ thể, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng; trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 6% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính (thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá...), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
|
Ảnh minh họa |
Góp ý cho bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng nên có cách tính làm sao để ổn định thuế nhập khẩu trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/năm, sản lượng nhập trong năm và khung thuế suất hợp lý”. Bởi thuế nhập khẩu làm ảnh hưởng nhiều đến giá sản phẩm.Còn nếu theo cách tính trong dự thảo thì chưa giải quyết tận gốc vấn đề chênh lệch giá trong nước và thế giới.
Cũng liên quan đến thuế, ông Nguyễn Thế Dũng, TGĐ Cty TNHH TM Dầu khí Đồng Tháp cho rằng: Nhà nước cần xem xét lại việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Bởi, thuế tiêu thụ đặc biệt là để áp cho những mặt hàng không khuyến khích như: rượu bia, thuốc lá… còn xăng dầu là mặt hàng thiết yếu tại sao lại đánh thuế này? Trong khi đó, xăng dầu đã phải đóng khá nhiều loại thuế như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường…Điều này khiến giá bán lẻ xăng, dầu trong nước luôn cao hơn thế giới”.