Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - Trịnh Quang Khanh trao đổi với báo chí bên lề buổi hội thảo sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu cuối tuần này.
- Hiệp hội đề xuất doanh nghiệp chỉ được phép tăng giá tối đa 3% và thời gian điều chỉnh là 10 ngày thay vì 5% và 15 ngày như Dự thảo của Bộ Công Thương. Vì sao các tỷ lệ và biên độ đều được đề xuất giảm như vậy thưa ông?
- Trong dự thảo sửa đổi ghị định 84, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án điều chỉnh giá nhưng chúng tôi chỉ chọn một phương án phù hợp với giá thị trường. Khi giá thế giới tăng, trong phạm vi nhất định, doanh nghiệp có quyền điều chỉnh giá tăng hoặc giảm.
Ban soạn thảo Bộ Công Thương cho rằng tần suất điều chỉnh giá xăng dầu là 15 ngày nhưng chúng tôi đề xuất giảm xuống còn 10 ngày. Như vậy, một tháng có thể điều chỉnh 3 lần giá xăng dầu và mỗi năm được 36 lần. Tôi cho rằng mức này phù hợp. Về biên độ, chúng tôi chỉ dự tính trong phạm vi 300- 600 đồng mỗi lít. Nếu thay đổi như vậy là phù hợp, người dân cũng dễ chấp nhận hơn. Thực tế cứ mỗi lần thay đổi giá, đặc biệt là tăng giá thì các cây xăng rất đông. Nhưng nếu chúng ta thay đổi một biên độ nhỏ như vậy thì tránh được hiện tượng đầu cơ.
- Đề xuất phương án điều chỉnh giá xăng dầu thực chất là Nghị định 84 cũ có cải biên. Ông giải thích thế nào trước lo ngại giá xăng dầu khó thoát tình trạng giảm nhỏ giọt, tăng ồ ạt?
- Thực chất Nghị định 84 là rất tiến bộ, nhưng trong quá trình điều hành tổ chức thực hiện lại có những cái bất cập. Tăng giá rất nhanh, nhiều trong khi giảm lại lâu và ít. Đây là điều đã tồn tại trong quá trình điều hành Nghị định 84. Cho nên lần này, nghị định sửa đổi phải khắc phục được vấn đề. Tôi cho rằng, khi doanh nghiệp thực hiện quyền quyết định giá sẽ khắc thực hiện điều này rất tốt. Ví dụ xăng thế giới tăng 3% thì doanh nghiệp được quyền tăng tương ứng. Khi giá thế giới giảm, trong đề nghị của chúng tôi là doanh nghiệp phải giảm giá và không khống chế về mặt thời gian.
- Trong bối cảnh giá thế giới biến động liên tục và xăng dầu trong nước vẫn phải nhập khẩu nhiều, ông đánh giá thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng cố định thuế nhập khẩu xăng dầu trong vòng 1 năm là không hợp lý?
- Tôi cho rằng giá thế giới có thể dự báo được. Bởi vì chúng ta dự kiến năm nay có thể nhập được bao nhiêu và dự kiến giá thế giới bình quân trong năm. Từ đó có thể ổn định thuế nhập khẩu theo điều 25 của Nghị định 84. Nếu ổn định được thuế nhập khẩu, Nhà nước sẽ có nguồn thu và đơn giản, minh bạch trong quá trình tính toán giá cơ sở. Doanh nghiệp có thể chủ động tăng hay giảm giá tiếp cận với thị trường.
- Doanh nghiệp hưởng lợi bao nhiêu khi mỗi lít xăng phải nộp tới khoảng 8.000 đồng thuế phí, một con số không nhỏ, thưa ông?
- Trong cơ cấu giá, doanh nghiệp chỉ được có 1.160 đồng mỗi lít thôi. Doanh nghiệp được chi phí định mức là 860 đồng, lợi nhuận định mức là 300. Số còn lại là chi phí nhập khẩu về và nộp thuế Nhà nước.
- Với Nghị định 84 sửa đổi, theo ông, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ thế nào?
- Mục tiêu khi sửa đổi bổ sung Nghị định 84, Hiệp hội cũng đặt ra hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tôi cho rằng khi thực hiện nghiêm túc vấn đề này, quyền lợi người tiêu dùng sẽ đảm bảo. Điều 27 dự thảo Nghị định 84 sửa đổi quy định, khi giá thế giới đã tăng vượt quá ngưỡng, Nhà nước sẽ có bàn tay để can thiệp. Có thể thông qua thuế phí, phí hoặc các công cụ khác. Thuế nhập khẩu ổn định còn có các mức thuế phí khác nữa. Chúng tôi chỉ đề nghị ổn định thuế nhập khẩu thôi, do đó vẫn có thể bình ổn qua thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí môi trường. Bàn tay Nhà nước có thể điều hành để đảm bảo an sinh xã hội và cân đối vĩ mô.