Đề xuất 3 phương án trong điều chỉnh giá xăng dầu
20/05/2013 7:59:00 SATin trong nước

Quỹ Bình ổn giá (BOG) sẽ do doanh nghiệp quản lý, rút ngắn tần suất điều chỉnh giá, ấn định thuế nhập khẩu xăng dầu... là những kiến nghị của doanh nghiệp khi tham gia hội thảo Sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức ngày 17-5.

Đổi tên Quỹ BOG

Theo VINPA, khi thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán xăng dầu thì việc lập BOG là không còn cần thiết. Quỹ BOG cũng nên bỏ khi người dân chấp nhận giá xăng dầu bán theo cơ chế thị trường; giảm bớt và ổn định các yếu tố cấu thành giá bán, làm minh bạch giá bán lẻ xăng dầu và bỏ quỹ nếu sử dụng hữu hiệu nguồn dự trữ lưu thông xăng dầu trong 30 ngày.

Trong trường hợp Quỹ BOG tiếp tục được duy trì và Nhà nước tiếp tục sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ điều tiết giá bán lẻ thì khi giá xăng dầu thế giới giảm, thương nhân đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng cách thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm.

Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng giá dưới 3% thì doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá tương ứng; nếu giá xăng dầu thế giới tăng giá từ 3 - 7% thì doanh nghiệp tăng giá theo quy định của Nghị định và sử dụng thêm Quỹ BOG. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng trên 7%, Nhà nước sẽ can thiệp điều hành giá xăng dầu qua việc điều hành thuế.

Vị đại diện VINPA cho biết, nếu Quỹ BOG vẫn tiếp tục được sử dụng thì nên đổi tên là Quỹ Dự trữ Tài chính. Trong trường hợp này, Thủ tướng sẽ ban hành quyết định riêng quy định nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ.

Theo ý kiến của Hiệp hội, việc hình thành Quỹ Dự trữ Tài chính có thể lấy từ hai nguồn chính. Nguồn quỹ lấy trên cơ sở tăng chi phí định mức, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trích 0,5% doanh số để trích lập quỹ, tương đương 130 đồng/lít xăng.

Ngoài ra, nguồn quỹ cũng có thể từ việc trích một khoản lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp theo đúng tinh thần Quyết định 04/2009/QĐ-TTg về việc trích Quỹ BOG xăng dầu của Thủ tướng ban hành ngày 9-1-2009.

Quỹ này sẽ do doanh nghiệp tự quản lý và doanh nghiệp được sử dụng quỹ này theo hai mục đích.

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá xăng dầu theo quy định của Nghị định. Trong trường hợp, nếu việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu nhiều hơn số tiền có trong quỹ mà doanh nghiệp đang quản lý, thì Nhà nước có trách nhiệm bù đắp khoản chênh lệch này để tránh tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ do cơ chế.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng quỹ để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian quỹ chưa được sử dụng đề điều chỉnh giá xăng dầu nhưng phải trả lãi tương đương mức lãi suất huy động của ngân hàng.

Giảm tần suất điều chỉnh giá

Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84 vừa được Bộ Công Thương hoàn thành, Bộ đã đưa ra 3 phương án tính giá.

Phương án thứ nhất, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày dương dịch đối với trường hợp tăng giá, 15 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá. Bộ Công Thương đề xuất, khi các yếu tố hình thành giá làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân đầu mối giữ khoảng cách tối thiểu là 15 ngày sẽ được tăng giá.

Nếu giá giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Nếu giá giảm trên 6%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế, quỹ bình ổn..., thương nhân đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần giảm và số lần.

Phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất sẽ lấy giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo. Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn khác) tính bình quân 30 ngày.

Ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố giá bán lẻ tối đa áp dụng trong tháng. Các thương nhân đầu mối có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do liên bộ công bố.

Phương án 3, Bộ Công Thương đề xuất mức trần giá bán lẻ cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Định kỳ hằng quý, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định. Nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp chênh lệch.

Tuy nhiên, đại diện của nhiều doanh nghiệp đều nhất trí với phương án 1 nhưng cần giảm tần suất điều chỉnh giá. Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Tự Lực I cho rằng, việc điều chỉnh, nhất là tăng giá kéo dài, gây xáo trộn, khó khăn cho việc phục vụ. Ví dụ như trong quý I-2013, thời gian điều chỉnh giá để lâu dẫn đến nhiều đại lý không đủ nguồn hàng cung cấp. Vì thời gian kéo dài, doanh nghiệp đầu mối bị lỗ, nguồn cung hạn chế, cửa hàng hầu như không đủ nguồn hàng, tạo ra kẽ hở trong quản lý nhất là việc đầu cơ.

“Nên rút ngắn tần suất điều chỉnh tăng giá, 10 ngày là hợp lý. Kéo dài thời gian tính giá không có lợi. Bản thân tổng đại lý rất mệt mỏi, đại lý nào cũng muốn lấy nhiều hàng nhưng không muốn bán ra, các cơ quan quản lý mất nhiều công sức đi kiểm tra”, ông Tiu cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện của VINPA cho biết, tần suất 10 ngày được thay đổi giá, tức là 1 tháng 3 lần và 1 năm là 36 lần như vậy là phù hợp.

VINPA cũng đề xuất, cần ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân, sản lượng nhập trong năm và khung thuế suất hợp lý. Mức thuế suất cần thấp hơn 40% so với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
20.300
Xăng RON 95 - III
19.760
Xăng E5 RON 92 - II
18.940
Dầu DO 0,05S 17.040
Dầu DO 0,001S - V 17.470

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 19/9/2024

Giá dầu thô Brent