CôngThương - Đa dạng hóa nguồn nhiêu liệu
Đề án 177 về phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 với mục tiêu đa dạng nguồn nhiên liệu, sản xuất NLSH, tái tạo, thay thế một phần nhiên liệu truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, tạo thu nhập cho nông dân phát triển nguyên liệu.
Để giải quyết đầu ra cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện đề án phát triển NLSH là việc làm cần thiết. Do đó, sáng nay (16/5) Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã chủ trì cuộc họp để nghe các DN kinh doanh xăng dầu, DN thực hiện đề án NLSH báo cáo kết quả.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Duyên Cường- Phó Ban Thương mại thị trường Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)- cho biết: Sau khi được Chính phủ phê duyệt chương trình, PVN là đơn vị tiên phong thực hiện đề án, và đã phối hợp cùng với một số đối tác đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất Ethanol nhiêu liệu từ sắn tại ba vùng là: Nhà máy Nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, với công suất thiết kế 100 triệu lít Ethanol nhiên liệu/năm. Tuy nhiên, nhà máy đang khó khăn về vốn, cùng với việc tiêu thụ chậm nên nhà máy đang tạm dừng hoạt động.
Nhà máy của Công ty CP NLSH miền Trung (Quảng Ngãi) có công suất thiết kế 100 triệu lít Ethanol nhiên liệu/năm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2012, tính riêng quý I/2013 Công ty sản xuất 5,505 triệu lít, bán nội địa chỉ được 0,566 triệu lít.
Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu tại Bình Phước, với công suất thiết kế 100 triệu lít Ethanol nhiên liệu/năm, đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2012 và đã sản xuất được 13,677 triệu lít cồn, bán nội địa được 9,099 triệu lít, xuất khẩu được 0,1 triệu lít, và quý I/2013 sản xuất được 2,607 triệu lít, bán nội địa được 1,890 triệu lít, xuất khẩu 3,0 triệu lít, hiện tại, nhà máy chưa có kế hoạch sản xuất kinh doanh tiếp theo, vì đang khó khăn về vốn.
Cùng với đó, năm 2012 các nhà máy cồn, Bình Phước và Dung Quất đã sản xuất và cung ứng ra thị trường được 25.900 m3 Ethanol E100 thành phẩm.
Tính đến tháng 3/2012 không kể 3 nhà máy của PVN, thì cả nước đã có thêm bốn nhà máy sản xuất Ethanol nhiêu liệu khác đi vào hoạt động, với công suất thiết kế khoảng 335 triệu lít Ethanol/năm. Cả 4 nhà máy này đều sử dụng nguyên liệu chủ yếu là sắn lát khô, nhưng giá nguyên liệu đầu vào thay đổi bất thường, từ đó đã khiến cho DN sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, mặt khác, sắn là loại cây trồng thu hoạch một lần trong năm, nên việc dự trữ nguyên liệu của các nhà máy đòi hỏi nguồn vốn khá lớn, trong khi lãi suất vay ngân hàng ở mức cao, khiến cho các DN các khó khăn hơn trong việc duy trì sản xuất.
Quyết liệt thực hiện Quyết định 53
Để duy trì đầu vào cho sản xuất, cần có công tác phát triển quy hoạch vùng nguyên liệu, tại Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Lào Cai đã phát triển 4.000 ha sắn vào năm 2011 để phục vụ cho nhà máy tại Phú Thọ.
Tuy nhiên, khi đã có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, cần có lộ trình áp dụng tỷ lệ pha trộn NLSH và truyền thống, nên đã được Chính phủ ban hành tại Quyết định 53, nhưng, để thực hiện được tốt nó đòi hỏi các DN đầu mối phải cùng đồng loạt triển khai thực hiện.
Nhưng, theo báo cáo của các DN, công tác phân phối xăng sinh học hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Để phân phối được sản phẩm ra thị trường thì DN phải chịu chi phí lớn cho trạm trộn, địa điểm kinh doanh… Đối với Tập đoàn Dầu khí đến nay đã đầu tư 5 cơ sở pha chế E5 tại Đình Vũ, Nhà Bè, Liêu Chiểu, Vũng Tàu và 4 đầu mối để phục vụ kinh doanh xăng E5.
Cùng với đó, PVN đã có 175 cửa hàng thuộc hệ thống của PV Oil, Petec, Sài Gòn Petro thuộc địa bàn 34 tỉnh, thành phố lớn. Nhưng, phần lớn là do khó khăn về thị trường nên các sản phẩm NLSH của các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, vì phải cạnh tranh với các nước khác như Thái Lan… nên không đủ chi phí cho giá thành đầu vào.
Theo đó, Chính phủ quy định đến tháng 12/2014, xăng tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh thành phố lớn là, xăng E5, và đến tháng 12/2015 sẽ áp dụng trên toàn quốc. Tiến tới năm 2017 tất cả các xăng sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ trên phạm vi cả nước phải là xăng E10.
Tuy nhiên, đến nay việc tiêu thụ xăng E5 còn rất chậm, chưa nói đến xăng E 10, 20, 30 như các nước khác trên thế giới đã tiêu thụ rất mạnh vì người dân đã nắm bắt được lợi ích của sản phẩm.
Tuy nhiên, để người dân Việt Nam hiểu rõ về lợi ích của xăng sinh học, tại cuộc họp đã có đại diện Văn phòng Chính Phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… tham gia và đã có nhiều ý kiến đóng góp, với Quyết định 53 phải được lập kế hoạch triển khai một cách đồng bộ, chi tiết để đảm bảo các mục tiêu đề ra. Cùng với đó phải rà soát, ban hành các văn bản pháp lý một cách đồng bộ, đồng thời xem xét đưa vấn đề kinh doanh NLSH trước khi xem xét, sửa đổi Nghị định 84.
Ngoài ra, cần được sớm phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển NLSH” và đẩy mạnh công tác truyền thông.
Theo ý kiến của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho rằng: Petrolimex đồng tình ủng hộ chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra là tiêu thụ NLSH. Nhưng, việc pha trộn cần được tính toán, vì chở xăng sinh học E5 và E100 nó mang tính đặc thù riêng nên Petrolimex không chở bằng đường thủy, do đó cần có cơ chế, tính toán phù hợp không chi đội lên rất cao thì DN không đủ khả năng đáp ứng.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh NLSH, các đơn vị hay DN cần tính toán phù hợp, có gì khó khăn phải tập hợp và đề nghị, Bộ sẽ xem xét, phần nào áp dụng hỗ trợ về thuế theo quy định thì sẽ được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Việt Thắng- Phó Tổng giám đốc Nhà máy lọc dầu Dung Quất- cho rằng: Để thuận tiện cho việc đưa sản phẩm ra thị trường, nhà máy chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị hệ thống pha trộn tại Dung Quất, đảm bảo pha E100 và các chất khác sau đó qua hệ thống xuất bán, cơ bản đã chuẩn bị chu đáo. Chỉ chờ có chủ trương thì chúng tôi chỉ cần bổ sung thêm không đáng kể là thực hiện đưa sản phẩm tới kho bán lẻ cho đầu mối kinh doanh nên rất thuận tiện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang- cho rằng: Việc vào cuộc của các đơn vị chưa thực sự đồng bộ, nên phải thực sự quyết tâm thực hiện bằng được Quyết định 53. Dù ít nhiều cũng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, và tạo việc làm cho người dân…
Thứ trưởng cũng đề nghị, các Bộ, ngành, cần tiếp tục bám sát quyết định và phối hợp chặt chẽ mới đem lại hiệu quả. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các DN kinh doanh xăng dầu và nhà sản xuất phải hết sức kết hợp chặt chẽ để đưa chương trình NLSH thành một chương trình mang tầm cỡ quốc gia, tương tự chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”, chương trình “Chống biến đổi khí hậu…”, để kêu gọi sự hưởng ứng của toàn dân.