Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá cơ sở của mặt hàng xăng Ron 92 hiện thấp hơn giá bán lẻ 481 đồng/lít. Tương tự, giá cơ sở dầu diezel, dầu hỏa và dầu madut hiện thấp hơn giá bán lẻ lần lượt 415 đồng/lít, 445 đồng/lít và 42 đồng/kg.
Trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở của các chủng loại xăng dầu nêu trên, liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá để quy định giảm giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và phù hợp với các quy định hiện hành nhằm tạo lập mặt bằng giá bán xăng dầu cạnh tranh, nhưng tối thiểu không thấp hơn mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở nêu trên. Riêng mặt hàng dầu madut có mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở không lớn, nên giữ ổn định như hiện hành.
Chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở của các chủng loại xăng dầu - Nguồn: Bộ Tài chính.
Trong khi đó, theo tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tập đoàn này quyết định giảm 500 đồng/lít xăng Ron 92 xuống còn 24.050 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa và diezel giảm 450 đồng xuống lần lượt 21.450 đồng/lít và 21.600 đồng/lít. Tương tự, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác cũng có mức giảm tương đương Petrolimex.
Thời điểm điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp nhưng không được muộn hơn 18h00 ngày 9/4.
Trước đó, ngày 28/3, liên bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu tăng giá xăng tối đa 1.430 đồng/lít, dầu diesel tăng 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít, và dầu madut tăng 807 đồng/kg. Mức giá 24.580 đồng/lít xăng áp dụng từ 28/3 là cao nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục 23.800 đồng/lít thiết lập ngày 20/4/2012.
Được biết, trên thị trường thế giới, giá dầu thô ngọt nhẹ đang được giao dịch ở mức 93,62 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao dịch quanh mức 105,3 USD/thùng.