Nhìn gas mà điều hành giá xăng
02/04/2013 8:11:00 SATin trong nước

Việc điều chỉnh giá gas lại không hề có tình trạng lên cao chót vót rồi xuống nhỏ giọt như giá xăng.

Chỉ trong ba tháng đầu năm, giá gas liên tục được điều chỉnh giảm tương ứng khi giá gas thế giới giảm. Trong khi đó, giữa lúc giá xăng thế giới đang giảm và được dự báo không thể tăng thì giá xăng trong nước lại bất ngờ tăng 1.430 đồng/lít, nâng giá bán ra đến gần 25.000 đồng/lít.

Xăng và gas đều là hai mặt hàng thiết yếu, phần lớn phải nhập khẩu (gas 30%-40%, xăng 70%) và phụ thuộc vào giá thế giới, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh hai mặt hàng này đều hạch toán độc lập. Tuy nhiên, cách mà các DN gas điều hành giá rất đáng để các DN xăng dầu học hỏi.

DN gas “chơi đẹp” với NTD

Giá gas là do DN tự định và đăng ký lên cơ quan chức năng bằng văn bản. Có năm DN như Petro Vietnam, Petrolimex, Saigon Petro… đăng ký giá trực tiếp với Bộ Tài chính, các DN khác đăng ký với Sở Tài chính địa phương. Giá gas trong nước tăng hay giảm phụ thuộc vào giá gas thế giới công bố cuối mỗi tháng.

Mặc dù thị trường gas cũng có nhiều điểm tương tự xăng dầu như có “ông lớn” là PV Gas (giữ 80% thị phần, sở hữu 40% nguồn gas trong nước và 40% nguồn gas nhập khẩu), giá gas cũng có lúc lên lúc xuống nhưng thực thế cho thấy việc điều chỉnh giá gas lại không hề có tình trạng lên cao chót vót rồi xuống nhỏ giọt như giá xăng. Dù giá thế giới liên tiếp giảm, DN kinh doanh gas vẫn giảm đúng với mức tương ứng.

DN gas ít khi nào than lỗ như DN xăng dầu. Ảnh: TÚ UYÊN

Có những thời điểm khi giá gas cao đến 500.000 đồng/bình, các DN gas đã chia sẻ với người tiêu dùng (NTD) bằng việc giảm lợi nhuận hoặc kiến nghị giảm thuế nhập khẩu… chứ ít khi than lỗ liên tục như DN xăng dầu. Có thể đây là “chiêu PR” của các DN gas nhưng so với xăng dầu, gas dù sao vẫn “chơi đẹp” với NTD hơn.

Giá xăng chẳng theo quy luật nào

Trong khi đó, giá xăng lại được điều hành theo cách mà một chuyên gia cho rằng “không theo bất kỳ quy luật nào”.

Nếu như giá gas được thả nổi theo thị trường thì đối với xăng dầu, các DN “mang tiếng” là được định giá nhưng lại có thêm Tổ điều hành giá thuộc Cục Quản lý Giá, có cả Bộ Tài chính giám sát. Khi DN đề xuất giá, Tổ điều hành giá thấy hợp lý thì mới đồng ý, còn không thì các DN sẽ không được tăng giá. Chính điều này đã tạo ra kiểu luẩn quẩn mà ngành xăng dầu bấy lâu nay gặp phải, khiến mức giá luôn lạc nhịp với giá thế giới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu rõ, điều bất hợp lý trong điều hành giá xăng chính là việc sử dụng quỹ bình ổn không phù hợp với tình hình giá thế giới. “Đáng lẽ giá thế giới lên hay xuống thì phải theo sát, đằng này dùng quỹ để níu lại khi giá thế giới xuống để mình lên. Cách giải trình việc lỗ lãi của DN không rõ ràng, hay than hết quỹ bình ổn. Đặc biệt là sự nhập nhèm giữa kinh doanh và dự trữ an ninh năng lượng quốc gia. Khi lỗ thì kêu dùng cho mục đích chính trị, khi lãi thì nhờ kinh doanh” - ông nói thẳng.

“Tôi cũng từng nêu ý kiến ở đây có lợi ích nhóm nên khi giá thế giới giảm mình lại tăng và tăng đột ngột. Rõ ràng có những mặt hàng tương đồng nhau nhưng cách điều hành lại không giống nhau” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết. Do đó, theo ông, cần nhìn cách điều tiết giá gas mà “rút kinh nghiệm” với giá xăng.

Cuối cùng, ông Phong khẳng định điều hành giá gas cũng tương tự như giá xăng. Đối với xăng thì nên bỏ đi quỹ bình ổn mà hình thành quỹ bảo đảm năng lượng an ninh quốc gia, khi nào cần thì Nhà nước bán ra để điều hòa thị trường. Nghĩa là Nhà nước nên tách dự trữ an ninh năng lượng dự trữ xăng dầu ra riêng, DN kinh doanh ra riêng để họ kinh doanh theo đúng thị trường và cạnh tranh tự do.

Lỗi ở cơ chế điều hành giá

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Quang A cho rằng việc để giá xăng lạc nhịp với giá thế giới là lỗi của cơ chế điều hành.

. Ông đánh giá như thế nào về cách Nhà nước đang “ôm” việc định giá thay cho DN xăng dầu?

+ TS Nguyễn Quang A: Vấn đề xăng dầu không có gì phức tạp, có thể giải quyết dễ dàng. Nhưng thay vì làm thế, “họ” (cơ quan quản lý) lại phức tạp hóa vấn đề: Bày ra nhiều cách gọi là quản lý từ lập quỹ bình ổn giá, đề ra Nghị định 84 rồi công thức này nọ…

Chúng ta phải hiểu là Nhà nước không có chức năng định giá. Nhiệm vụ của Nhà nước là đảm bảo môi trường kinh doanh để các DN cạnh tranh, trong đó bao gồm việc cấm các DN bắt tay làm giá, nếu phát hiện thì thu giấy phép kinh doanh. Các DN phải được tự chủ định giá, nếu định giá cao quá thì NTD tẩy chay.

. Nhưng Petrolimex đang chiếm đến 55% thị phần xăng dầu. Nhiều ý kiến lo ngại như thế không thể có cạnh tranh giá?

+ Vấn đề là phải chống độc quyền để tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Petrolimex đã lớn rồi, chúng ta phải chấp nhận và có thể bỏ qua phương án chia tách. Tuy nhiên, vẫn còn phương án khác.

. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

+ Tôi ví dụ một phương án. Tất cả đầu mối xăng dầu đều là DN nhà nước, vậy sao Nhà nước không sắp xếp lại các DN này và “bắt” họ cạnh tranh? Cách này từng được áp dụng với thị trường viễn thông và tạo ra “người mới” là Viettel, cạnh tranh thẳng với VinaPhone và MobiFone.

Tương tự, Nhà nước có thể “sáp nhập” 11 DN xăng dầu “lít nhít” còn lại thành DN lớn và cho họ cơ chế ưu đãi trong vài năm. Sau đó Nhà nước chỉ cần giám sát các DN này có cạnh tranh thực sự hay không và thu thuế, chứ không dính dáng đến việc định giá. Nếu làm được điều này thì người dân sẽ không bao giờ phải than phiền.

. Xin cảm ơn ông.

MAI PHƯƠNG

Xăng dầu tăng giảm không cần báo trước

Theo quy định thì hiện tại giá xăng dầu khi điều chỉnh sẽ không được thông báo trước, nhằm tránh hiện tượng găm hàng. Các văn bản đăng ký giá của DN là tài liệu mật, dùng để trao đổi giữa các cơ quan quản lý, nếu tiết lộ sẽ xảy ra tình trạng biết giá trước, găm hàng, trục lợi.

Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng vừa qua không phải vì mục đích chống buôn lậu.

Trước đó, trong văn bản điều hành giá xăng dầu ngày 28-3, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã đưa ra ba lý do để tăng giá đối với một số xăng RON 92 lên mức 1.430 đồng/lít. Theo đó, giá xăng dầu có giảm nhưng vẫn ở mức cao; quỹ bình ổn giá đã hết và giá trong nước đang thấp hơn giá của các nước có chung biên giới 2.000-5.000 đồng/lít, dẫn đến tình trạng buôn lậu rất phức tạp. Tức là chống buôn lậu chỉ là một căn cứ để điều chỉnh giá xăng dầu.

 Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 1-4 )

TRÀ PHƯƠNG

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.080
Xăng RON 95 - III
20.520
Xăng E5 RON 92 - II
19.340
Dầu DO 0,05S 18.500
Dầu DO 0,001S - V 18.610

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 21/11/2024

Giá dầu thô Brent