Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ Công Thương tổ chức ngày 1-4, câu chuyện điều hành giá xăng dầu tiếp tục được nhiều người đặc biệt quan tâm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có quy định nào trong quy định của pháp luật là dùng biện pháp tăng giá để chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới không? Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định rằng hiện không có quy định nào.
Tuy nhiên, điều hành kinh doanh xăng dầu nói chung cũng như các mặt hàng khác phải tùy vào tình hình kinh tế-xã hội để điều hành, có lúc tăng, lúc giảm. Việc chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới là một trong các căn cứ để xử lý, bởi trước đây chúng ta bù lỗ xăng dầu, việc xuất lậu xăng dầu làm thất thu ngân sách. Ông Quyền cho biết, thời điểm hiện nay, chúng ta đang dùng quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo cho bình ổn kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Nếu xuất lậu xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực xã hội.
Cũng theo ông Quyền, việc điều hành giá xăng dầu chủ yếu dựa trên nguyên tắc của Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Hiện giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao, trong khi, quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.
Do vậy, Chính phủ đã quyết định tăng giá bán từ ngày 28- 3. Theo đó, giá xăng tăng tối đa 1.430 đồng/lít, dầu diesel tăng 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít, và dầu madut tăng 807 đồng/kg.
Trả lời ý kiến về việc có nên thông báo trước việc điều chỉnh giá xăng dầu để tránh tạo cú sốc cho thị trường, ông Quyền cho biết, các tài liệu trao đổi giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp cung ứng giá xăng hiện được coi là tài liệu mật, nếu bị rò rỉ thông tin có thể gây ra tình trạng lợi dụng găm hàng, đầu cơ. Vì thế, để đảm bảo tính minh bạch trong quản lý giá xăng dầu và chống hiện tượng đầu cơ, thông báo về giá xăng dầu không thể sớm hơn.
Cũng theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tháng 3, nhập khẩu xăng dầu đạt 600.000 tấn, tương đương 584 triệu USD, tăng 23% so với tháng trước. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, liệu có sự "găm hàng”? Trả lời cho câu hỏi này, ông Quyền cho biết, để tạo thị trường cạnh tranh đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, lúc nào doanh nghiệp cũng phải dự trữ đủ 30 ngày.
Tuy nhiên, việc nhập vào lúc nào, thời điểm nào, số lượng bao nhiêu là DN tự quyết định trên cơ sở dự báo của mình. Do vậy, không có vấn đề gì trong việc gom hàng hay vi phạm của doanh nghiệp.